Tác động kinh tế - xã hội và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam sau 2 năm thực hiện Hiệp định EVFTA

Diễn đàn
10:09 AM 06/08/2022

Sáng 4/8, tại Hà Nội, Viện nghiên cứu châu Âu, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Pháp luật kinh doanh và Đầu tư châu Âu đã phối hợp chủ trì Hội thảo khoa học "Hai năm thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA): Tác động kinh tế - xã hội và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam".

Tác động kinh tế - xã hội và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam sau 2 năm thực hiện Hiệp định EVFTA - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội thảo khoa học "Hai năm thực hiện Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA): Tác động kinh tế - xã hội và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam".

Tham dự Hội thảo có Tiến sỹ (TS) Đặng Xuân Thanh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; PGS. TS. Nguyễn Chiến Thắng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Âu; TS. Lê Hoàng Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Pháp luật kinh doanh và Đầu tư châu Âu;...

Hội thảo còn có sự góp mặt của đông đảo khách mời là các học giả, nhà quản lý, nhà khoa học trong nước và nước ngoài; đại diện các Bộ, ngành liên quan, lãnh đạo các tỉnh Hải Dương, Sơn La…; đại diện các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội. Về phía doanh nghiệp, có sự đồng hành tài trợ của Tập đoàn SunShine.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Đặng Xuân Thanh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - cho biết: Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết trên tinh thần hợp tác toàn diện, cân bằng lợi ích giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU). Đây là một trong những FTA thế hệ mới kỳ vọng mang lại lợi ích chiến lược cho Việt Nam thông qua sự phát triển quan hệ thương mại-đầu tư với một trong những đối tác lớn nhất và quan trọng nhất của Việt Nam.

Tác động kinh tế - xã hội và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam sau 2 năm thực hiện Hiệp định EVFTA - Ảnh 2.

Các học giả, nhà quản lý, nhà khoa học và đại diện các Bộ, ngành liên quan chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.

Sau 02 năm thực hiện, nhiều cam kết của EVFTA đã được triển khai, kết quả đầu tiên được đánh giá thông qua số liệu thống kê về thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU. Việc đánh giá tác động sau 02 năm thực hiện EVFTA lên nền kinh tế và hiệu quả thương mại của Việt Nam gặp trở ngại lớn do giai đoạn này bùng phát dịch COVID-19, gây ra nhiều hậu quả tiêu cực.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, thương mại hai chiều Việt Nam - EU vẫn đạt 57 tỷ USD trong năm 2021, tăng 14,5% so với năm 2020. 06 tháng đầu năm 2022, thương mại hai chiều đạt 31,7 tỷ USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2021. Số liệu chỉ rõ, xu hướng đầu tư của một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu và Việt Nam tăng nhanh, như Hà Lan tăng 26%, Đan Mạch tăng 240%, Thuỵ Điển tăng 63%, Ai Len tăng 263%, Bỉ tăng 284%...

Tác động kinh tế - xã hội và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam sau 2 năm thực hiện Hiệp định EVFTA - Ảnh 3.

Các tham luận tại Hội thảo đã đánh giá những tác động sau hai năm thực hiện Hiệp định EVFTA đối với Việt Nam, đồng thời nhận diện những tồn tại và bài học rút ra trong việc thực hiện các cam kết trong EVFTA của Việt Nam.

Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Đặng Xuân Thanh cho biết, trong bối cảnh thị trường thế giới chịu nhiều tác động tiêu cực trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và gần đây là xung đột giữa Nga và Ukraina, những động thái tích cực nêu trên đã cho thấy độ hiệu quả của EVFTA trong quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và EU.

Tuy nhiên, theo đánh giá của một số cơ quan, việc tận dụng các cam kết ưu đãi trong EVFTA của Việt Nam vẫn còn một số khía cạnh chưa được như kỳ vọng. Có thể kể đến như: Tỷ lệ chứng chỉ xuất xứ để hưởng thuế quan ưu đãi còn khiêm tốn, xuất khẩu vẫn chỉ tập trung vào một số thị trường truyền thống, cơ chế kết nối giữa địa phương, các bộ ngành và cơ quan đại diện nước ngoài trong việc thúc đẩy thương mại đầu tư chưa thực sự thông suốt, việc triển khai nhóm chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của nhiều bộ ngành, địa phương chưa thực sự được chú trọng...

Tác động kinh tế - xã hội và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam sau 2 năm thực hiện Hiệp định EVFTA - Ảnh 4.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các diễn giả đã đề cập tới những vấn đề xã hội phát sinh; đề xuất giải pháp nhằm tối đa hóa lợi ích từ Hiệp định EVFTA trong thời gian tới.

TS. Đặng Xuân Thanh khẳng định việc nhận diện những tồn tại, khó khăn, từ đó đề xuất khuyến nghị để thực thi EVFTA trong những năm tới là hết sức cần thiết. Ông tin rằng, những nội dung được chia sẻ trong khuôn khổ Hội thảo sẽ góp phần tích cực vào việc thúc đẩy, triển khai thực hiện có hiệu quả Hiệp định thương mại tự do quan trọng này, đem lại hiệu quả và lợi ích thiết thực cho cả Việt Nam và Liên minh châu Âu.

Hội thảo đã thảo luận theo 02 phiên và trình bày tổng hợp ý kiến tại hội trường chung: Phiên 1: "Bức tranh tổng quan về thực trạng quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam - EU, quản lý nhà nước và khu vực doanh nghiệp sau hai năm thực thi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu"; Phiên 2: "Thực thi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu ở cấp độ địa phương, quan hệ kinh tế song phương và những vấn đề xã hội".

Tác động kinh tế - xã hội và những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam sau 2 năm thực hiện Hiệp định EVFTA - Ảnh 5.

Thông qua hội thảo đã có sự thấu hiểu về bản chất của những vận động kinh tế và quá trình điều hành chính sách vĩ mô ở Việt Nam.

Qua mỗi phiên Hội thảo và các tham luận được trình bày tại Hội thảo đã cho thấy cái nhìn toàn cảnh về kinh tế - xã hội, chính trị - ngoại giao, văn hóa - xã hội Việt Nam sau 2 năm thực hiện Hiệp định EVFTA. Đồng thời đặt ra những vấn đề cần quan tâm trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia châu Âu trong việc thực hiện các cam kết của Việt Nam trong EVFTA.

Các tham luận cũng cho thấy các cơ hội và thách thức đặt ra đối với các ngành, sản phẩm và doanh nghiệp của Việt Nam trong quá trình thực thi EVFTA trong bối cảnh trong và sau đại dịch COVID-19. Điều này giúp cho các cơ quan hoạch định chính sách, doanh nghiệp và các nhóm lợi ích có sự thấu hiểu về bản chất của những vận động kinh tế và quá trình điều hành chính sách vĩ mô ở Việt Nam.

Nguyễn Hạnh
Ý kiến của bạn