Tái canh cây cà phê ở Kon Tum
Kon Tum là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện chủ trương tái canh cây cà phê. Từ năm 2014, tỉnh Kon Tum đã xây dựng nhiều đề án nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong tái canh cà phê, nhằm tái cơ cấu vườn cây cà phê, tăng năng suất.
Tái canh cây cà phê giúp tăng năng suất.
Gia đình ông Nguyễn Văn Anh (tổ 3, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) là một trong những hộ dân mạnh dạn thực hiện tái canh cây cà phê. Với diện tích hơn 1ha cây cà phê già cỗi trồng cách đây 24 năm nên năng suất thấp, chất lượng quả cũng không cao, gia đình ông quyết định phá bỏ toàn bộ vườn cà phê để trồng mới.
Tuy nhiên, trồng thời gian chưa được bao lâu, vườn cà phê bị bọ cánh cứng và tuyến trùng phá hoại khiến gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn. Sau đó ông Văn Anh xác định, muốn tái canh cây phê bền vững, gia đình phải luân canh trồng hoa màu hơn 1 năm để cải tạo đất rồi mới trồng lại cà phê.
Cùng với đó, ông Văn Anh tham gia các lớp tập huấn về cách thức cải tạo lại vườn cây già cỗi, cách ghép cây cũng như những chính sách hỗ trợ về giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Sau 27 tháng, vườn cà phê đã cho thu bói với năng suất khoảng 14 tấn quả tươi/ha, gia đình ông thu về hơn 90 triệu đồng. “Năm nay, vườn cà phê được chăm sóc tốt, nguồn nước dồi dào nên năng suất ước đạt 16-17 tấn quả tươi/ha. Trước khi tái canh, vườn cà phê của gia đình chỉ đạt 9 tấn/ha” – ông Văn Anh cho biết.
Trong khi đó, vườn cà phê 0,5 ha của gia đình nhà ông Nguyễn Thành Chung (tổ 8, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) được xem là kiểu mẫu trong mô hình tái canh. Năm 2016, ông Chung quyết định tái canh vườn cà phê già cỗi trồng cách đây hơn 30 năm. Đến nay, vườn cà phê của gia đình ông Chung đã cho thu hoạch với năng suất khoảng gần 20 tấn quả tươi/ha. “So với vườn cây cà phê già cỗi trước đây chỉ đạt khoảng 11 tấn/ha, rõ ràng việc tái canh mang lại hiệu quả cao”, ông Chung cho biết.
Theo ông Đoàn Năng Mạnh - cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh, trong quá trình hỗ trợ dân tái canh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức tập huấn kỹ thuật và có nói rõ yêu cầu kỹ thuật tái canh là khi nhổ bỏ vườn cà phê già cỗi, bà con trồng luân canh vài vụ để tái tạo lại đất, ngăn chặn bệnh tuyến trùng phát sinh trong đất. Tuy nhiên, có một số hộ dân do điều kiện đất đai hạn hẹp, bà con tổ chức trồng tái canh lại ngay nên có một số ít diện tích cà phê bị nhiễm bệnh tuyến trùng hại rễ. Trước tình hình đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh kịp thời hỗ trợ và hướng dẫn người dân diệt mầm bệnh tuyến trùng, phục hồi lại cây bị bệnh, bảo đảm cây sinh trưởng và phát triển. Trước khi tái canh, bà con nên rà rễ khi khai hoang, phục hóa và dồn lại đốt.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, tính đến hết năm 2019, tổng diện tích cà phê trên địa bàn tỉnh đạt 21.629 ha; trong đó 15.545 ha cà phê cho thu hoạch. Toàn tỉnh hiện có khoảng 2.180 ha cây cà phê già cỗi; trong đó có 1.430 ha cà phê vối và 750 ha cà phê chè. Diện tích tái canh cà phê từ năm 2014 - 2019 đạt hơn 1.208 ha.
Huyện Đăk Hà được xem là thủ phủ cà phê chiếm trên 50% diện tích cà phê toàn tỉnh Kon Tum. Việc tái canh cây cà phê của huyện Đăk Hà những năm trước gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của ngành nông nghiệp và người dân những vườn cà phê già cỗi đang dần được thay thế bằng những vườn cà phê trẻ, giống mới, năng suất cao.
M.TháiDự kiến từ đầu năm 2025, ngành thuế sẽ nâng cấp ứng dụng hỗ trợ cá nhân kê khai thuế điện tử, tự động hỗ trợ toàn bộ việc quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế.