Tài sản của Vinaxuki liên tiếp bị các ngân hàng rao bán

Doanh nghiệp
09:21 AM 19/07/2023

Từ khi phá sản, tài sản của Vinaxuki - doanh nghiệp từng đi đầu trong sản xuất ô tô tại Việt Nam - liên tục bị các ngân hàng phát mãi để thu hồi nợ. Mới đây, tài sản đảm bảo cho món nợ xấu gần 250 tỷ đồng của Vinaxuki lại bị rao bán.

Mới đây, Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank AMC) vừa có thông báo về việc tiến hành xử lý tài sản bảo đảm để thu thu hồi nợ của khách hàng là Công ty CP Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki.

Theo đó, dư nợ của Vinaxuki tại VietinBank Chương Dương tính đến ngày 4/7 có nợ gốc là hơn 82,4 tỷ đồng, dư nợ lãi là hơn 166 tỷ đồng. Tổng nợ của Vinaxuki là gần 249 tỷ đồng.

Tài sản bảo đảm cho khoản nợ trên là 15 xe ô tô tải thương hiệu Vinaxuki hiện đang trong kho nhà máy Vinaxuki Mê Linh, các xe đều chưa hoàn thiện để xuất xưởng, sản xuất từ năm 2012.

Trước đó, tháng 10/2022, Vietcombank Thăng Long ngày 4/10 ra thông báo đấu giá tài sản bảo đảm của Công ty cổ phần ô tô Xuân Kiên Vinaxuki Đắk Nông.

Tài sản gồm 1 Lò luyện quặng Antimon công suất 100 tấn/ngày, 2 dây chuyền tuyển quặng Antimon, tuyển nổi trọng lực công suất 150 tấn/ngày, 1 dây chuyền tuyển quặng Antimon, tuyển nổi, công suất 200 tấn/ngày đặt tại xã Đắk D'rông, huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông. Giá khởi điểm trong lần này là 4,516 tỷ đồng.

Tháng 2/2020, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng thông báo đấu giá tài sản là khoản nợ của Vinaxuki và Công ty TNHH MTV Ô tô Xuân Kiên Thái Nguyên. Đây là khoản nợ được ngân hàng giải ngân cho Vinaxuki và nhà máy tại Thái Nguyên để xây dựng và vận hành nhà sản xuất ôtô "Made in Vietnam" từ nhiều năm trước. Tại thời điểm đó, chỉ tính đến giữa tháng 9/2019, tổng dư nợ gốc và lãi của khoản vay là 1.265 tỷ đồng.

Các khoản nợ trên của Vinaxuki có tài sản bảo đảm gồm một lô đất và tài sản gắn liền tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh (Hà Nội) với tổng diện tích 138.814m2, là nơi đặt nhà máy sản xuất của Vinaxuki. Ngoài ra, các máy móc thiết bị tại Nhà máy Vinaxuki Mê Linh, quyền khai thác mỏ quặng Antimon và dây chuyền tuyển quặng tại xã Đắk D'rông, huyện Cư Jút (Đắk Nông); tài sản gắn liền với đất của Nhà máy Vinaxuki Thái Nguyên cũng được cầm cố cho khoản nợ.

Công ty CP Ô tô Xuân Kiên Vinaxuki do ông Bùi Ngọc Huyên làm Chủ tịch. Chủ tịch Vinaxuki khởi nghiệp với ngành sản xuất ô tô khi đã nghỉ hưu nhưng ông Huyên vẫn gặt hái nhiều thành tựu đáng ngưỡng mộ.

Năm 2004, Vinaxuki tiến hành xây dựng nhà máy tại huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) với công suất 30.000 xe/năm. Từ 2006 - 2008, nhà máy này đã sản xuất trên 20 dòng xe tải, với tỷ lệ nội địa hóa 27%. Những năm 2008, 2009, nhà máy sản xuất thân vỏ xe của ông đã được trang bị máy cắt laser, máy cắt plasma, tự động hóa dựa trên phần mềm và robot, chỉ 20-30s là xong một chi tiết sản phẩm.

Giấc mơ ô tô "made in Vietnam" còn dang dở của Vinaxuki và những khoản tiền ngân hàng ráo riết rao bán thu hồi nợ - Ảnh 1.

Không chỉ dừng lại ở sản xuất lắp ráp ô tô tải, ông Huyên còn tính làm ô tô con, những chiếc xe phục vụ người Việt Nam đúng theo tiêu chí "xe tốt, giá rẻ".

Từ khi hoạt động, nhà máy đều có lãi, sau 3 năm đã thu hồi vốn, trả nợ cho các ngân hàng. Từ năm 2009, Vinaxuki bắt đầu chuyển hướng và đầu tư vào làm dòng xe con. 

Từ nguồn vốn tự có khoảng 170 tỷ đồng, cộng thêm vốn vay ngân hàng 100 tỷ đồng, chỉ trong vòng 2 năm, Vinaxuki đã thu hồi được khoản đầu tư ban đầu. Các mẫu xe tải có tỷ lệ nội địa hóa trên 40%, trở thành thương hiệu nổi tiếng nhất nhì thị trường.

Không chỉ dừng lại ở sản xuất lắp ráp ô tô tải, ông Huyên còn tính làm ô tô con, những chiếc xe phục vụ người Việt Nam đúng theo tiêu chí "xe tốt, giá rẻ".

Tuy nhiên, đến năm 2012, Vinaxuki lỗ 45 tỷ đồng và nợ quá hạn các ngân hàng. Từ đó, Vinaxuki không thể vay được vốn ở ngân hàng nào, dù chỉ là vốn lưu động. Theo ông Bùi Ngọc Huyên, tính đến ngày 31/12/2012, tổng nợ của Vinaxuki vượt con số 1.400 tỷ đồng mà trong số này, chỉ có khoảng 1.000 tỷ đồng là nợ gốc và số còn lại là nợ lãi vay. 

Từng là người đầu tiên nuôi tham vọng xây dựng nền công nghiệp ô tô Việt Nam, ông Bùi Ngọc Huyên đã không thể thực hiện thành công dự án đầy tham vọng của mình ngoài việc xuất xưởng những chiếc xe tải loại nhỏ. Đến nay, Vinaxuki dần bị các ngân hàng rao bán tài sản để thu hồi nợ.

Nhật Hà
Ý kiến của bạn