Tâm điểm chứng khoán "gọi tên" cổ phiếu công nghệ
Dựa trên nền tảng tăng trưởng lợi nhuận bền bỉ, nhóm cổ phiếu công nghệ đã mang tới hiệu suất vượt trội cho nhà đầu tư.
Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán DNSE (DNSE), trong khoảng một tháng trở lại đây, nhóm cổ phiếu công nghệ viễn thông đã khởi sắc trở lại sau giai đoạn đi ngang.
Nổi bật nhất là “cỗ máy tăng trưởng” FPT của CTCP FPT. Mã cổ phiếu này vẫn chưa làm nhà đầu tư thất vọng khi duy trì đà tăng tích cực. Tính từ đầu năm tới nay, cổ phiếu này đã tăng khoảng 70%, có thể xem là mã tăng mạnh nhất trong VN30 và liên tục vượt đỉnh lịch sử.
Thậm chí, giai đoạn VN-Index biến động mạnh, cổ phiếu này vẫn duy trì được đà tăng tích cực. FPT cũng là một trong những cổ phiếu được các quỹ ngoại săn đón và nắm giữ với giá trị cao. Nhờ đó, giá trị vốn hóa của FPT tại ngày 14/11 đạt hơn 200.000 tỷ đồng, là một trong những “cái tên” giá trị nhất sàn chứng khoán.
Sự tăng trưởng bền bỉ này được trợ lực bởi lịch sử tăng trưởng trên 20%/năm, điều mà hiếm có doanh nghiệp nào duy trì được như FPT.
Không kém cạnh, cổ phiếu VTP của "gã khổng lồ" ngành logistics Việt Nam - Viettel Post, cũng là hiện tượng của năm khi liên tục xác lập đỉnh lịch sử, ghi nhận mức tăng 150% trong một năm nhờ kết quả kinh doanh tăng trưởng, triển vọng kinh doanh được giới đầu tư đánh giá khả thi với các dự án cũng như thị trường logistics đang rất tốt.
Còn tính riêng từ đầu tháng 10 đến nay, thị giá VTP đã tăng mạnh khoảng 50%, vốn hóa thị trường theo đó tăng lên hơn 14.000 tỷ đồng.
Hay như cổ phiếu VGI của Viettel Global đã có chuỗi tăng giá từ 63.600 đồng/cp lên 86.000 đồng/cp, tương ứng tăng khoảng 35% tính từ đầu tháng 10 đến nay. Còn tính từ đầu năm, cổ phiếu này đã tăng tới 217%.
Cũng trong “họ Viettel”, cổ phiếu CTR của Viettel Construction ghi nhận mức tăng 45% từ đầu năm tới nay. Đây là cổ phiếu được đánh giá cao trong bối cảnh mạng 5G chính thức được thương mại hoá tại Việt Nam.
Nhìn chung, cổ phiếu công nghệ đang là tâm điểm đầu tư trên thị trường chứng khoán toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Do đó, dù không có nhiều lựa chọn nhưng đa số các cổ phiếu công nghệ trên thị trường chứng khoán Việt Nam đều rất đáng chú ý, nhất là khi nhóm này đang được hỗ trợ bởi nhiều động lực tích cực.
Theo đó, các doanh nghiệp CNTT sẽ hưởng lợi trong khâu sản xuất, gia công, lắp ráp và thử nghiệm nếu Việt Nam thu hút các nhóm ngành công nghệ cao như chip, chất bán dẫn, năng lượng tái tạo trong dài hạn. Do vậy, động lực tăng trưởng của ngành CNTT đến từ các yếu tố như xuất khẩu phần mềm duy trì tăng trưởng 2 chữ số nhờ các thị trường nước ngoài gia tăng nhu cầu chuyển đổi số, trong đó có thị trường Nhật Bản và châu Á Thái Bình Dương.
Ngành CNTT trong nước duy trì đà tăng trưởng cùng với xu hướng chuyển đổi số ở các doanh nghiệp và nền tảng hạ tầng số phát triển khi mạng 4G, 5G được thương mại hóa và nhiều trung tâm dữ liệu đi vào hoạt động. Điều này giúp gia tăng tỷ lệ sử dụng internet, tăng doanh thu cho các doanh nghiệp.
Xu hướng phát triển AI, BigData, Cloud sẽ tiếp tục dẫn dắt thị trường. Các doanh nghiệp CNTT kỳ vọng được hưởng lợi nếu Việt Nam thu hút các nhóm ngành công nghệ cao như chip, chất bán dẫn, năng lượng tái tạo trong dài hạn…
Minh An (t/h)Theo Bộ Công Thương, dự kiến sức mua năm nay có thể tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cũng được các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị từ rất sớm với lượng hàng dự trữ tăng từ 10-25% so với cùng kỳ.