Tạm dừng hoạt động 4 KCN, mỗi ngày Bắc Giang mất hơn 2.000 tỷ đồng
Báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang cho biết tỉnh đã phải tạm dừng hoạt động 4 khu công nghiệp, ước tính mỗi ngày giảm trên 2.000 tỷ đồng tổng giá trị sản xuất công nghiệp; trên 140.000 lao động ngừng việc; trong đó, hơn 60.000 lao động ngoại tỉnh.
Mới đây tại TP. Bắc Giang, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành có cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang và một số bộ, ngành về các giải pháp phòng chống dịch cũng như duy trì sản xuất.
Tại cuộc họp, báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang cho biết tỉnh đã phải tạm dừng hoạt động 4 khu công nghiệp, ước tính mỗi ngày giảm trên 2.000 tỷ đồng tổng giá trị sản xuất công nghiệp; trên 140.000 lao động ngừng việc; trong đó, hơn 60.000 lao động ngoại tỉnh. Đặc biệt, khó khăn nhất hiện nay là việc nhập nguyên vật liệu và xuất hàng do tài xế chở hàng vào và ra khỏi khu công nghiệp về các địa phương phải cách ly 21 ngày.
Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang báo cáo thêm: Chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tháng 5 giảm tới 40,9% so với tháng 4 và giảm hơn 30% so với cùng kỳ. Các thương nhân cũng có tâm lý e ngại đến vùng dịch do khi trở về phải cách ly, do đó, khâu lưu thông hàng hóa gặp khó khăn.
Còn theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương, hiện tại Bắc Giang có 14 khu cách ly, điều trị cho bệnh nhân COVID-19 với công suất 3.651 giường. Khó khăn hiện nay là thiếu trang thiết bị cho khu điều trị bệnh nhân nặng. Nhân lực y tế trên địa bàn cũng còn mỏng do cùng lúc phải căng ra nhiều mặt trận. Ông Lê Ánh Dương mong muốn Bộ Y tế điều động thêm cán bộ y tế hỗ trợ cho tỉnh.
Hiện nay, nhu cầu xét nghiệm của tỉnh 30.000 mẫu/ngày trong 1 tuần liên tục. "Để đáp ứng nhu cầu lấy mẫu trên, tỉnh cần bổ sung 400 tình nguyện lấy mẫu và 100 sinh viên công nghệ thông tin để nhập liệu, mã hóa", ông Lê Ánh Dương nói.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh Bắc Giang với nhiều cách làm sáng tạo, nhất là khoanh vùng các khu công nghiệp lớn, quản lý kịp thời các ca F1, F2.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng nhìn nhận thiệt hại đối với sản xuất kinh doanh khá lớn, ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân, của công nhân. Phó Thủ tướng nhắc lại tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là làm sao dập dịch sớm, phục hồi sản xuất sớm, thực hiện tốt mục tiêu kép.
Về các biện pháp cụ thể, Phó Thủ tướng nêu rõ phải tập trung thật cao cho tiêm phòng vaccine, đây là chiến lược dài hơi nhưng dứt điểm càng nhanh càng tốt để đưa sản xuất vào hoạt động ngay.
Nhắc lại tinh thần phải mau chóng dập được dịch, mau chóng đưa lực lượng công nhân trở lại sản xuất, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế bổ sung vaccine ngừa COVID-19 để tiêm cho công nhân và đề nghị tỉnh Bắc Giang rà soát lại các kịch bản để bảo đảm sản xuất an toàn, chứ không phải có vaccine là chủ quan, mất cảnh giác, "làm sao cho sản xuất trở lại rồi thì không phải dừng lại lần nữa, mỗi lần dừng như thế thì sẽ ảnh hưởng rất lớn".
Đối với các yêu cầu về sản xuất, kinh doanh, trên cơ sở ý kiến của địa phương, doanh nghiệp, Phó Thủ tướng nhất trí ban hành một văn bản giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành tạo điều kiện cho sản xuất, lưu thông thuận lợi, không để bị đứt gãy, không bị ách tắc lưu thông hàng hóa.
"Đánh giặc thì phải có vũ khí", Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn về khung giá đối với vật tư trang thiết bị y tế để các địa phương tham khảo nhằm giải tỏa tâm lý e ngại cho các địa phương vì "sợ vi phạm quy định về mua sắm vật tư".
Nhã MiTrong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.