Tâm huyết của người cựu chiến binh trên vùng đất Phủ Qùy

Địa phương
11:56 AM 01/06/2021

Không nghĩ tôi có thể an toàn trở về. Cuộc chiến khốc liệt và gian nan. Mỗi lần nhận nhiệm vụ, đều xác định là nhiệm vụ cuối cùng...

Người chiến binh mưu trí, dũng cảm

Là một người con của vùng đất Diễn Châu, sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước, năm 16 tuổi, với sự tự lập từ sớm, Nguyễn Văn Trung thoát ly gia đình, lên làm việc tại Công ty công nghiệp rừng Sông Hiếu thuộc Bộ Lâm nghiệp ở miền núi Nghệ An. Năm 22 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Nguyễn Văn Trung tòng quân nhập ngũ. Trải qua nhiều thăng trầm, nỗ lực, đến nay, khi ở tuổi "xưa nay hiếm", người lính Nguyễn Văn Trung vẫn là một cựu chiến binh nhạy bén, cơ trí trong xây dựng phát triển kinh tế trên vùng đất Phủ Qùy.

Năm 1968, thanh niên Nguyễn Văn Trung cùng nhiều thanh niên địa phương và cả nước hăng hái tham gia lên đường vào Nam chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc. Sau một thời gian huấn luyện, chiến sĩ Nguyễn Văn Trung được bổ sung vào Sư đoàn 565 – Sư đoàn chuyên gia giúp bạn Lào, có trụ sở đóng ở Trung Hạ Lào. Khi chính thức vào quân ngũ, chiên sĩ trẻ Nguyễn Văn Trung được giao nhiệm vụ làm vệ binh, bảo vệ cơ quan Bộ.

Tâm huyết của người cựu chiến binh trên vùng đất Phù Qùy - Ảnh 1.

Nguyễn Văn Trung - Người cựu chiến binh nhạy bén trong xây dựng phát triển kinh tế trên vùng đất Phủ Qùy.

Tâm huyết của người cựu chiến binh trên vùng đất Phù Qùy - Ảnh 2.

"Bản thân tôi cũng không nghĩ, tôi có thể an toàn trở về. Cuộc chiến khốc liệt và gian nan. Mỗi lần nhận nhiệm vụ, đều xác định là nhiệm vụ cuối cùng. Nơi rừng sâu nước độc, sự tàn ác của kẻ thù, bao nhiêu nguy hiểm cận kề không lường được." - Cựu chiến binh Nguyễn Văn Trung bồi hồi chia sẻ.

Tâm huyết, nỗ lực xây dựng, phát triển quê hương

Sau khi đất nước thống nhất, chiến sĩ Nguyễn Văn Trung may mắn và hạnh phúc là một trong số ít những người con của vùng đất Phủ Qùy trở về từ chiến trường. Trở về quê hương, sự thông minh, nhạy bén của một người lính được tiếp tục phát huy để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Ông cùng cán bộ và nhân dân địa phương hăng say tham gia sản xuất, kiến tạo và xây dựng quê hương trong thời kỳ mới. Bằng tất cả trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm, ông Nguyễn Văn Trung không quản vất vả, cùng cộng sự xây dựng thành công Nhà máy tạo hình vật liệu huyện Nghĩa Đàn vào năm 1976. Đây là công trình có ý nghĩa về kinh tế và xã hội vào thời điểm đó. Ở một huyện miền núi, để có thể xây dựng và đưa vào hoạt động một nhà máy sản xuất, là sự nỗ lực rất lớn của cả một hệ thống và lực lượng tham gia.

Ông Trung nhớ lại: "Thời gian đầu, mọi thứ mới bắt đầu còn nhiều cái lạ lẫm, người chưa quen việc, chưa quen máy móc. Nên mọi thứ vẫn là vừa làm vừa khắc phục, vừa sản xuất vừa học hỏi. Tôi lúc đó đảm nhiệm vị trí Trưởng phòng Vật tư, thường xuyên đi ra, đi vào để sửa chữa, khắc phục thiết bị máy móc. Thời đó, giao thông phương tiện đi lại không phải như bây giờ. Máy hư thì phải khắc phục ngay để kịp sản xuất nên gần như tôi ăn ngủ cùng nhà máy suốt thời gian dài. Cũng nhờ vào sự đoàn kết, chịu khó của tất cả mọi người, mà dần dần rồi mọi thứ cũng đi vào ổn định, sản xuất thuận lợi".

Thời điểm khó khăn chung của Đất nước sau thống nhất, Nhà máy tạo hình vật liệu huyện Nghĩa Đàn được xây dựng và đi vào hoạt động, cũng là một điểm sáng cho sản xuất kinh tế trên vùng núi Phủ Qùy, khích lệ tinh thần hăng say sản xuất của toàn dân.

Sau khi nghỉ hưu, cựu chiến binh Nguyễn Văn Trung vẫn tiếp tục nhiệt huyết, trách nhiệm với các hoạt động chung của địa phương và phát triển kinh tế gia đình. Ông chia sẻ: "Thời gian nghỉ hưu ở địa phương, tôi có tham gia công tác Đảng, công tác Cựu chiến binh, Hội người cao tuổi. Tất cả đều nhằm mục đích xây dựng phòng trào phát triển, đóng góp sự phát triển chung của quê hương. Tôi cũng gần 50 tuổi Đảng rồi, cũng có thể được vào hàng ngũ là Đảng viên lão thành của địa phương. Tôi có nhiều ý tưởng phát triển kinh tế, xây dựng quê hương, nhưng hoàn cảnh lúc đó không thực hiện được. Cách đây 20 năm, tôi đã từng lên kế hoạch xây dựng phòng khám mini ở Nghĩa Đàn, đã mời được ba bác sĩ chuyên ngành giỏi nhất Tỉnh tham gia. Nhưng, người tính không bằng trời tính. Tôi vẫn thấy tiếc khi không thể thực hiện được ý tưởng này. Bởi nó có thể giúp cho nhiều người dân không chỉ ở Nghĩa Đàn mà cả 5 huyện miền núi sẽ thuận lợi hơn trong việc khám chữa bệnh".

Tâm huyết của người cựu chiến binh trên vùng đất Phù Qùy - Ảnh 3.

Khách sạn Riverside Hotel Thái Hòa là tâm huyết của người cựu chiến binh trên đất Phủ Qùy.

Với bản lĩnh được tôi luyện trên chiến trường, cùng trí tuệ và sự nhạy bén của bản thân, cựu chiến binh Nguyễn Văn Trung luôn có những ý tưởng táo bạo, có thể nói là đi trước thời đại hơn chục năm. Nhưng cuối cùng, ý tưởng xây dựng khách sạn đạt chất lượng dịch vụ 3 sao trên vùng đất Phủ Qùy vẫn là táo bạo nhất mà ông quyết tâm thực hiện.

Có thể nói, Riverside Hotel Thái Hòa là tâm huyết cuối cùng của người cựu chiến binh trên đất Phủ Qùy. Phải mất đến 5 năm trời, để từ một vùng đất lầy, xây dựng lên một khách sạn 7 tầng kiên cố, sang trọng, đầy đủ dịch vụ lưu trú đạt chuẩn 3 sao. Riverside Hotel Thái Hòa được thiết kế nội thất rất đơn giản nhưng lại đầy tinh tế, tạo không gian rộng rãi nhưng cũng không kém phần sang trọng. Các phòng đều được trang bị đầy đủ những thiết bị tiện nghi như tivi, máy lạnh, phòng tắm riêng, wifi … Vì thế, Riverside Hotel Thái Hòa luôn là điểm dừng chân tuyệt vời và là lựa chọn đầu tiên của du khách khi đặt chân lên vùng đất miền Tây xứ Nghệ.

Nói về công trình của cả cuộc đời mình, ông Nguyễn Văn Trung tâm sự thêm: "Là một người con của mảnh đất này, ai cũng luôn mong muốn được góp phần xây dựng quê hương. Là một người lính trở về, bản thân tôi càng ý thức rõ trách nhiệm của bản thân. Xây dựng khách sạn Riverside Hotel Thái Hòa là tâm nguyện của gia đình tôi, nhưng cũng là quyết tâm của lãnh đạo địa phương. Tất cả đều hiểu được, khi công trình được hoàn thiện, sẽ là một điểm sáng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng đất Phù Qùy. Đó cũng là một minh chứng, dù thuộc miền núi xa xôi, nhưng con người nơi đây vẫn luôn ra sức phát triển kinh tế, xây dựng quê hương bằng những quyết tâm táo bạo và thậm chí là đón đầu xu hướng phát triển chung".

Tâm huyết của người cựu chiến binh trên vùng đất Phù Qùy - Ảnh 4.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Trung vẫn luôn toát lên được sự tinh anh, điềm đạm và nhạy bén.

Sự thông minh, nhanh nhẹn, linh hoạt của chiến sĩ vệ binh năm xưa, đến nay vẫn luôn thấy rõ ở người lính 75 tuổi. Ở tuổi xưa nay hiếm, cựu chiến binh Nguyễn Văn Trung vẫn luôn toát lên được sự tinh anh, điềm đạm và nhạy bén. Những đóng góp cho quê hương của ông luôn được Nhà nước và nhân dân ghi nhận. Với ông, tài sản lớn nhất của cuộc đời mình cũng chính là những sự ghi nhận đó.  

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Trung được trao tặng Huy hiệu 45 tuổi Đảng; Huân chương kháng chiến hạng 2 và hạng 3: Huân chương chiến sĩ giải phóng; Huân chương của nước bạn Lào tặng chuyên gia Việt- Đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam – Lào.

Lê Dung - Thái Quảng
Ý kiến của bạn