Tầm quan trọng của “Phòng vệ thương mại” trong bối cảnh hội nhập

Chính trị - xã hội
09:06 PM 28/10/2020

Vừa qua, ngày 27/10, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo "Phòng vệ thương mại - công cụ bảo vệ lợi ích ngành sản xuất nội địa trong bối cảnh hội nhập" tại Hà Nội. Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực phòng vệ thương mại, doanh nghiệp, Hiệp hội và các cơ quan báo chí, truyền thông.

Được biết, Phòng vệ thương mại được xem là công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất nội địa trong bối cảnh hiện nay. Trong bối cảnh Việt Nam đã và đang mở cửa rất mạnh theo các hiệp định thương mại tự do, hàng rào thuế quan hầu như không còn là cản trở đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thì việc biết, hiểu rõ và nâng cao năng lực sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất nội địa vô cùng cần thiết.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương cho biết, Phòng vệ thương mại (PVTM) đang ngày càng trở nên phổ biến, các biện pháp hợp pháp được tổ chức thương mại thế giới cho phép, nhằm đảm bảo sự cạnh tranh công bằng đối với hàng sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu.  Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng và có 13 FTA, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới, gần đây nhất là FTA với EU (EVFTA), Việt Nam đã và đang mở cửa mạnh thị trường nội địa cho hàng hóa từ 51 nước đối tác FTA. Điều này giúp thị trường Việt Nam sôi động và cạnh tranh hơn.

Với mức thuế đối với hàng nhập khẩu của chúng ta đã về thấp, có loại về 0%, khiến sức ép cạnh tranh giữa các ngành sản xuất nội địa và hàng nhập khẩu gia tăng. Trong bối cảnh đó, cần chủ động nghiên cứu các biện pháp hợp pháp như phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.

Tầm quan trọng của “Phòng vệ thương mại” trong bối cảnh hội nhập - Ảnh 1.

Phòng vệ thương mại được xem là công cụ hữu hiệu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất nội địa trong bối cảnh hội nhập hiện nay (ảnh minh họa internet)

Thực tế cho thấy, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đã cho những kết quả tích cực. Theo số liệu từ Bộ Công Thương, hiện đang điều tra 20 vụ án phòng vệ thương mại để bảo vệ các ngành sản xuất khác nhau. Các biện pháp phòng vệ thương mại đã áp dụng góp phần bảo vệ các ngành, trong đó chiếm gần 6% tổng GDP năm 2019, bảo vệ việc làm cho khoảng 150 nghìn việc làm, phát triển các ngành sản xuất nguyên liệu cơ bản để đóng góp vào sự phát triển nói chung.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đang điều tra, xem xét áp dụng phòng vệ thương mại đối với một số ngành hàng ảnh hưởng đến 1,5 triệu việc làm và đời sống nông dân của hàng chục vạn nông dân như đường mía nhập khẩu.

Đánh giá tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại, bà Phạm Châu Giang - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, hiệu quả mang tính tích cực là tăng thu cho ngân sách. Theo thống kê, tăng thu ngân sách hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, các biện pháp phòng vệ thương mại còn bảo vệ lợi ích các ngành sản xuất trong nước, đóng góp 6% tổng GDP năm 2019, giúp nhiều doanh nghiệp sản xuất vượt qua khó khăn, khủng hoảng, giảm nguy cơ hàng hóa Việt Nam bị điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá. 

Lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại thông tin, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương xây dựng Đề án nâng cao năng lực về Phòng vệ Thương mại trong bối cảnh Việt Nam tham gia các FTA. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đang xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện EVFTA về phòng vệ thương mại.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tham gia góp ý cho Đề án nâng cao năng lực về Phòng vệ Thương mại trong bối cảnh Việt Nam tham gia các FTA và Thông tư hướng dẫn thực hiện EVFTA về phòng vệ thương mại. Đại diện Lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại đã trao đổi, phản hồi cụ thể về các ý kiến của đại biểu và khẳng định, tất cả các ý kiến góp ý sẽ được Cục Phòng vệ thương mại tổng hợp, tiếp thu để hoàn thiện Đề án và Thông tư theo đúng quy định.

Đức Duy
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Sau 10 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3 lần Hà Nội: Sau 10 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3 lần

Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người của người Hà Nội năm 2010 đạt khoảng 2 triệu đồng/tháng thì đến năm 2022 đạt 6,4 triệu đồng/tháng, tăng gấp 3 lần sau hơn 10 năm.