Tận dụng cơ hội tham gia chuỗi cung ứng chip toàn cầu

Diễn đàn
11:06 AM 15/03/2023

Cuộc khủng hoảng nguồn cung chip toàn cầu đã làm gián đoạn sản xuất trong nhiều ngành công nghiệp. Tuy nhiên, đây cũng chính là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam góp “dấu chân” trên bản đồ sản xuất chip toàn cầu.

Chip là thiết bị xuất hiện trong rất nhiều sản phẩm đời sống, từ các loại thẻ điện tử đến các thiết bị khác như tivi, tủ lạnh, camera, ô tô... Khủng hoảng chip là cụm từ được giới công nghệ nhắc đến nhiều nhất trong năm vừa qua. Thiếu chip ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết các lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử, ngay cả lĩnh vực sản xuất ô tô, lĩnh vực vốn chỉ chiếm khoảng 9% nhu cầu tiêu thụ chip toàn cầu cũng bị ảnh hưởng trực tiếp. 

Tận dụng cơ hội tham gia chuỗi cung ứng chip toàn cầu - Ảnh 1.

Việt Nam tận dụng cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng chip toàn cầu. Ảnh: Thời báo Ngân hàng

Nguyên nhân là do sự bùng phát của Covid-19 trên toàn thế giới đã khiến sản lượng sản xuất chip giảm, đặc biệt là ở các nước châu Á, bao gồm cả nguồn cung chip điện tử giảm mạnh. Khi đại dịch bắt đầu, các nhà sản xuất ô tô đã đóng cửa các nhà máy và tạm ngừng sản xuất xe. Trong khi đó, việc cách ly cộng đồng và làm việc, học online đã khiến nhu cầu tăng vọt về các thiết bị điện tử. Khi nhu cầu sử dụng các thiết bị điện tử tăng lên, đồng nghĩa với việc nhu cầu về chip nhiều hơn. Các nhà sản xuất chip bắt đầu cung cấp thêm chip để đáp ứng nhu cầu và chuyển sang tập trung sản xuất nhiều hơn các loại chip mới, mang lại nhiều lợi nhuận hơn.

Khi đại dịch từng bước được kiểm soát, các nhà sản xuất ô tô bắt đầu mở cửa trở lại nhà máy và bắt đầu tăng cường sản xuất. Lúc này, các nhà sản xuất chip không thể cung cấp đủ chip cho họ vì chúng đều được ưu tiên cho các công ty điện tử. Thêm vào đó, các nhà sản xuất chip đã không sản xuất nhiều chip legacy (thường được sử dụng trên ô tô, máy bay…) và hầu hết các xe ô tô chưa được thiết kế để ứng dụng các loại chip tiên tiến hơn.

Thiếu hụt chip cấp thấp chính là cơ hội cho các công ty sản xuất chip Việt Nam. Một số công ty trong nước cũng đã "rục rịch" bước chân vào thị trường tỷ USD này.

Tiên phong trong lĩnh vực này là Viettel, doanh nghiệp này chủ động đề xuất với Thủ tướng Chính phủ được tham gia nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip phục vụ nhu cầu nội địa, hướng tới xuất khẩu. Trước đó, từ năm 2018, Viettel đã đầu tư 40 triệu USD để tiến hành việc nghiên cứu và sản xuất chip.

FPT Semiconductor (công ty con của FPT) dự kiến cung ứng ra thị trường toàn cầu 25 triệu đơn vị chip, đưa ra thị trường thêm 7 dòng chip khác nhau trong năm 2023.

Ngoài FPT, Tập đoàn Công nghệ CMC kết hợp cùng Viettel cũng đã có những bước tiến cụ thể trong việc sản xuất chip. Tương tự, Viettel cùng Qualcomm cũng đã hoàn thành giai đoạn nghiên cứu, tối ưu chip ASIC cho trạm thu phát sóng 5G đầu tiên trên thế giới sử dụng dòng chip này.

Đây là bước đột phá, giúp xóa bỏ sự lệ thuộc vào chipset độc quyền của các nhà sản xuất thiết bị khác trên thế giới, mở ra rất nhiều tự chủ công nghệ cho Việt Nam.

Nhiều chuyên gia đánh giá Việt Nam hoàn toàn đủ năng lực để thiết kế chip. Chia sẻ trên Vietnamfinance, TS. Majo George, Giảng viên Đại học RMIT, nhận định quyết định sản xuất chip tại Việt Nam đã được đưa ra đúng thời điểm, khi thế giới đang thiếu chip còn Việt Nam thì đang triển khai công cuộc chuyển đổi kỹ thuật số, bao gồm chuyển đổi sang chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Tuy vậy, để xây dựng được một nền công nghiệp bán dẫn cạnh tranh không chỉ cần có vốn đầu tư. Tiếp cận công nghệ phù hợp, xây dựng chuỗi cung ứng để đảm bảo nguồn cung và thị trường tiêu thụ ổn định cũng sẽ là những bài toán mà doanh nghiệp cần phải tính toán kỹ lưỡng. Các chuyên gia cho rằng để tiếp cận công nghệ sản xuất chip bán dẫn, không có cách nào khác, Việt Nam phải gia công, làm thuê, tiến tới sản xuất chip Make in Vietnam, sau đó mới phát triển công nghệ lõi. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, Việt Nam cũng cần tham gia vào những công đoạn R&D, nỗ lực đạt được những thỏa thuận hợp tác hỗ trợ chuyển giao công nghệ với các quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc, từ đó tiến tới tự chủ hoàn toàn các công đoạn quan trọng trong quy trình sản xuất.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn
Kotler Awards Việt Nam 2024 vinh danh 27 ứng viên xuất sắc ở nhiều hạng mục Kotler Awards Việt Nam 2024 vinh danh 27 ứng viên xuất sắc ở nhiều hạng mục

Tối ngày 22/11, Giải thưởng quốc tế danh giá Kotler Awards 2024 đã diễn ra tại TP. HCM, tôn vinh 27 các Nhà tiếp thị kinh doanh, Chuyên gia Marketing, Nhà quản trị chiến lược và Doanh nghiệp xuất sắc với những thành tựu vượt trội, đóng góp cho sự phát triển bền vững và nâng tầm thương hiệu quốc gia Việt Nam.