Tận dụng tối đa thành quả CMCN 4.0 để nâng cao năng suất lao động

Tiếp thị số
12:15 PM 10/12/2020

Mục tiêu quan trọng của Hà Nội giai đoạn 2021-2025 là tận dụng tối đa thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất lao động...

Tận dụng tối đa thành quả CMCN 4.0 để nâng cao năng suất lao động

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, trong năm 2020, mặc dù đối mặt với khủng hoảng Covid-19 nhưng tổng giá trị đầu tư cho khởi nghiệp ước đạt hơn 310 triệu USD. Việt Nam cũng ghi nhận kỳ lân khởi nghiệp thứ hai là Vnpay. Nhiều chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đã được Chính phủ cụ thể hoá bằng các Chương trình hỗ trợ chuyên sâu, như: Chỉ thị về hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp công nghệ số, chương trình quốc gia phát triển thương mại điện tử, chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030...

Bên cạnh đó, trong năm 2020 vừa qua, thị trường tại Việt Nam được đánh giá là điểm đến an toàn được các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư lựa chọn hướng đến trong thời gian tới. Kinh tế vĩ mô và tài khóa ổn định với mức tăng trưởng GDP ước tính đạt 1,8% trong nửa năm đầu 2020, dự kiến đạt 2,8% trong cả năm.

Tận dụng tối đa thành quả CMCN 4.0 để nâng cao năng suất lao động - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới không dự báo suy thoái kinh tế. Đặc biệt, Việt Nam vừa tham gia ký kết sau 8 năm đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), FTA có quy mô lớn nhất thế giới giữa ASEAN và 5 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Đây sẽ là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam khi muốn bước ra thị trường quốc tế.

Nhiều địa phương đã đưa đổi mới sáng tạo thành một mục tiêu phát triển, đặc biệt tại Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh. Các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp gia tăng về mặt số lượng và dần hình thành mô hình kết nối giữa Nhà nước - Nhà trường và doanh nghiệp để tận dụng các cơ sở hạ tầng sẵn có hình thành không gian đổi mới sáng tạo, khu dịch vụ tập trung cho khởi nghiệp.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ KH&CN, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo hiện nay đã bước vào giai đoạn mới, giai đoạn trọng yếu để phát triển. Do đó, để phát triển hệ sinh thái một cách bứt phá, cần có sự nỗ lực và phối hợp từ các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp khởi nghiệp đến các chủ thể trong hệ sinh thái khác.

Để thích ứng và chuyển đổi bứt phá, cần có sự chung tay hợp tác, đổi mới sáng tạo từ cách làm đến tư duy, phát triển nguồn nhân lực và tạo ra môi trường cạnh tranh phù hợp; lấy các doanh nghiệp khởi nghiệp làm trung tâm của sự phát triển. Chính bản thân các doanh nghiệp khởi nghiệp cần có sự chủ động trong việc đổi mới, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo ra nhiều giá trị hơn nữa. Việt Nam hiện có hai doanh nghiệp khởi nghiệp kỳ lân (định giá trên 1 tỷ đô la Mỹ) là Công ty Cổ phần VNG (Vinagame), VNP và khoảng 10 doanh nghiệp khởi nghiệp có định giá trên 100 triệu đô la Mỹ.

Riêng tại Hà Nội, một trong hai 'đầu tàu kinh tế' của đất nước, trong những năm qua, thành phố đã xây dựng nhiều giải pháp đột phá nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hoạt động như khai trương Cổng thông tin Hệ sinh thái khởi nghiệp (StartupCity.vn) vào năm 2017; phê duyệt Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn thành phố đến năm 2020 với nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.

Năm 2019, với mục tiêu xây dựng Hà Nội thành Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước, nơi kết nối các nguồn lực của hệ sinh thái, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trong cộng đồng, Thành phố tiếp tục phê duyệt Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2019-2025 với nhiều chính sách hỗ trợ đặc thù được ban hành như hỗ trợ thực hiện các hoạt động truyền thông về khởi nghiệp sáng tạo và xây dựng văn hóa khởi nghiệp; thực hiện các chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo; phát triển kết cấu hạ tầng, kỹ thuật, mặt bằng cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.

Tổ chức các sự kiện kết nối mạng lưới, kết nối hệ sinh thái, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ ứng dụng khoa học-công nghệ, chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm, thương mại hóa sản phẩm; hỗ trợ tiếp cận tài chính và thúc đẩy hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo; hình thành trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Hà Nội…

Cùng với đó, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp để đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp như cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian khởi sự doanh nghiệp và đẩy mạnh đăng ký kinh doanh qua mạng; giảm thời gian, chi phí thực hiện các quy định của nhà nước trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh như đất đai, hải quan, thuế, bảo hiểm xã hội, tiếp cận điện năng... Nhờ đó, số doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn Thành phố liên tục tăng trong các năm gần đây.

Cụ thể, từ năm 2016 đến năm 2020, TP. Hà Nội có hơn 112 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trung bình mỗi năm tăng 9,7%, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn lên hơn 292 nghìn doanh nghiệp đăng ký hoạt động (đứng thứ hai về số lượng doanh nghiệp trên cả nước). Bình quân cứ 35 người dân có 1 doanh nghiệp được đăng ký thành lập, cao gấp 3,8 lần mức bình quân chung cả nước.

Thành phố Hà Nội cũng xác định, một trong những mục tiêu quan trọng của Thành phố giai đoạn 2021-2025 là tiếp tục phát triển kinh tế nhanh và bền vững, tận dụng tối đa thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất lao động; thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân để tạo động lực phát triển kinh tế.

Để đạt được mục tiêu trên, Hà Nội cần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng.

Trong thời gian tới, TP. Hà Nội sẽ nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp, thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, các thủ tục hành chính thuộc các ngành như xây dựng, đất đai, tài nguyên môi trường, y tế. Thúc đẩy khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo; đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và khởi nghiệp được ban hành tại Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp trên địa bàn Thành phố đến năm 2020 và Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025.

Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, công nghệ sản xuất sạch, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Nghiên cứu, xây dựng Đề án Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025.

Cải thiện tình trạng thiếu mặt bằng sản xuất, tạo điều kiện để phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có quy mô hợp lý và giá thuê đất phù hợp với khả năng của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong các ngành có lợi thế, có hàm lượng tri thức, công nghệ và giá trị gia tăng cao, tham gia mạng lưới liên kết sản xuất, chuỗi giá trị sản phẩm định hướng xuất khẩu và phát triển công nghiệp hỗ trợ và chuỗi giá trị toàn cầu.

Bảo Lâm
Ý kiến của bạn
Băng phủ đỉnh Fansipan ngày đầu năm Băng phủ đỉnh Fansipan ngày đầu năm

Sáng sớm ngày 5/1, đỉnh Fansipan - "nóc nhà Đông Dương" - lại một lần nữa xuất hiện băng giá, đánh dấu ngày thứ 6 liên tiếp hiện tượng này diễn ra.