Tận dụng tốt các hiệp định thương mại, xuất khẩu của nước ta tăng trưởng mạnh mẽ

Đầu tư và Tiếp thị
12:46 PM 07/05/2022

Nhờ tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do, các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh xuất khẩu và mang lại sự tăng trưởng kim ngạch mạnh mẽ.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, tính đến hết tháng 4/2022, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 122 tỉ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Điểm nổi bật trong năm nay là DN trong nước tăng đến 21,6%, cao hơn so với DN có vốn đầu tư nước ngoài (chỉ tăng 14,7%). Điều này cho thấy sự nỗ lực của các DN trong nước trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn phức tạp, chi phí vận chuyển tăng cao…

Bộ Công Thương cũng đánh giá năm 2022 sẽ là một năm "bùng nổ" trong lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, nhiều mặt hàng sẽ thiết lập các kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, 3 nhóm ngành dệt may, da giày, nông - lâm - thủy sản có sự tăng tốc ấn tượng nhất. Xuất khẩu nhóm nông - lâm - thủy sản đang tăng trưởng mạnh và tăng đều ở hầu khắp các thị trường.

Cụ thể, trong 4 tháng qua, nhóm ngành này ước đạt trên 10 tỉ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điểm sáng đáng chú ý trong nhóm hàng này là xuất khẩu thủy sản tiếp tục đạt trên 1 tỉ USD trong tháng 4, tăng gần 40% so với tháng 4.2021. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp mặt hàng này xuất khẩu vượt mức 1 tỉ USD.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, riêng xuất khẩu thủy sản cả nước ước tính đạt gần 3,6 tỉ USD, tăng gần 44% so với cùng kỳ năm trước.

Tận dụng tốt các hiệp định thương mại, xuất khẩu của nước ta tăng trưởng mạnh mẽ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, quý 1/2022, kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt 5,288 tỉ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tốc độ tăng cao trong điều kiện đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ở trong nước và nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Ngành da giày đặt kỳ vọng cán mốc xuất khẩu 20 tỉ USD trong năm 2022, tăng 12,7% so với năm 2021.

Có được kết quả khả quan trên, Bộ Công Thương cho rằng đó là do các DN đã tận dụng tốt cơ hội thị trường và thuế quan mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại. Việt Nam ký hợp tác FTA song phương và đa phương với nhiều đối tác, từ đó mở ra cơ hội xuất khẩu cho hàng hóa. Mặt hàng giày dép có tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi theo FTA khá cao, chiếm 96% với kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường ký FTA. Ngành này tận dụng được ưu đãi thuế quan nhờ tiêu chí xuất xứ đối với mặt hàng giày dép trong các FTA được đánh giá là phù hợp với khả năng đáp ứng của DN Việt Nam.

Ưu đãi FTA cũng được các DN ngành nông - lâm - thủy sản tận dụng tốt. Theo Bộ NN-PTNT, 4 tháng đầu năm 2022 đã có 5 nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỉ USD.

Đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Chủ tịch Đỗ Xuân Lập cho rằng, hiện tại nhu cầu gỗ và đồ nội thất trên thị trường thế giới vẫn tiếp tục tăng và DN ngành gỗ, đặc biệt là ngành nội thất cũng đã kín đơn hàng đến hết quý 3/2022, thậm chí là hết năm 2022. Với đà tăng trưởng này, mục tiêu ngành gỗ đạt 16 tỉ USD là hoàn toàn có thể thực hiện được.

Theo ông Lập, hàng loạt FTA đang được thực thi như EVFTA, CPTPP tạo lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm khi mức thuế giảm dần về 0%. Bên cạnh đó, Trung Quốc - nước xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn trên thế giới lại hạn chế xuất khẩu để chống dịch COVID-19; Ý, Đức và các nước phát triển khác đang giảm sản xuất do ảnh hưởng suy thoái và chi phí tăng cao… Đây là cơ hội để VN gia tăng xuất khẩu mặt hàng này.

Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex), ông Cao Hữu Hiếu nhận xét: Hiệp định Đối tác kinh tế toàn khu vực (RCEP) là một FTA thế hệ mới đã tạo thành một thị trường với quy mô 2,2 tỉ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới và GDP tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu, trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới xét về quy mô dân số.

Trong khối Hiệp định RCEP có một số nước là thành viên của Hiệp định CPTPP sẽ hóa giải những khó khăn, thách thức đến từ nguyên liệu "đầu vào" vì sẽ giúp bổ trợ phần nguyên liệu bị thiếu hụt trong nước hiện nay. Đơn cử, Nhật Bản là một thị trường tiềm năng, nếu như trước đây, hàng may mặc vào thị trường này buộc phải chứng minh được nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ từ ASEAN và Nhật Bản (trong khi Việt Nam nhập khẩu phần lớn nguyên phụ liệu từ Trung Quốc), thì nay với Hiệp định RCEP, hàng may mặc được sản xuất từ nguyên phụ liệu Trung Quốc cũng được hưởng ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

Ông Cao Hữu Hiếu cho rằng, đối với bất kỳ FTA nào, DN luôn luôn khuyến khích cũng như phổ biến kiến thức cho các đơn vị về lộ trình giảm thuế, cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư, các quy định về thủ tục hải quan, thuận lợi hóa thương mại... Ngoài ra, tập đoàn cũng tổ chức các chuyến kết nối thực tế giữa DN trong Vinatex với khách hàng để DN chủ động tìm hướng hợp tác, thúc đẩy xuất khẩu, tận dụng tối đa các lợi ích mà hiệp định này mang lại.

Quang Dũng (T/h)
Ý kiến của bạn
IMF: Việt Nam thuộc nhóm thị trường mới nổi và nền kinh tế thu nhập trung bình IMF: Việt Nam thuộc nhóm thị trường mới nổi và nền kinh tế thu nhập trung bình

Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) đánh giá Việt Nam không còn là quốc gia thu nhập thấp đang phát triển (LIDC) và đưa vào nhóm thị trường mới nổi và nền kinh tế thu nhập trung bình (EMMIE).