Tận dụng ưu thế xuất khẩu hàng hóa sang Nga
Theo Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á – Âu (EAEU) ký kết ngày 29/5/2015, rào cản thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam vào thị trường Nga sẽ được điều chỉnh. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng để thúc đẩy thương mại giữa hai bên trong bối cảnh hiện nay.
Thị trường hấp dẫn
Thị trường Nga được đánh giá là rất hấp dẫn với dân số 143,5 triệu người, thu nhập bình quân đầu người khoảng 14,611 USD/năm, trong đó tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển (chiếm tư 10-25%), văn hóa tiêu dùng của người dân ngày càng được nâng cao. Nga được đánh giá là thị trường tiêu dùng và bán lẻ rộng lớn, đa dạng về hàng hóa nhập khẩu, đồng thời là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu cho các mặt hàng của Việt Nam như thủy hải sản, cà phê, chè, rau, củ, quả tươi, sản phẩm đông lạnh, may mặc, nhựa, cao su, chất dẻo…
Thị trường Nga được đánh giá là rất hấp dẫn. Ảnh minh họa
Hiện nay, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Nga các mặt hàng công nghiệp nhẹ và tiêu dùng, chiếm gần 80% kim ngạch xuất khẩu như điện thoại các loại linh kiện, sản phẩm điện tử; hàng thủy sản, dệt may, giày dép các loại, hàng rau quả, cà phê, hạt điều và hạt tiêu… Ở chiều ngược lại, chiếm tỷ trọng trên 85% kim ngạch nhập khẩu từ Nga, chủ yếu là những mặt hàng xăng dầu, phân bón, sắt thép và sản phẩm, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, hàng thủy hải sản, than đá, cao su, các sản phẩm từ dầu mỏ, phôi thép, sắt thép thành phẩm và phân bón.
Đặc biệt, sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) chính thức có hiệu lực mở ra giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam và EAEU. Năm 2017, kim ngạch thương mại hai nước đạt mức 3,55 tỷ USD, tăng 31% so với năm 2016 và năm 2018 đạt 4,57 tỷ USD, tăng 28,6% so với năm 2017. Trong tháng 6/2020, Việt Nam xuất khẩu gần 291,6 triệu USD hàng hóa sang Nga, đồng thời nhập khẩu 219,8 triệu USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu giữa hai nước đạt 511,3 triệu USD.
Đây thực sự là con số ấn tượng thể hiện nỗ lực của Chính phủ hai nước trong việc mở rộng và thúc đẩy hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực.
Theo ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương, trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến trao đổi hàng hóa toàn cầu gặp nhiều khó khăn, việc tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và LB Nga là nhiệm vụ quan trọng.
Doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng cơ hội thúc đẩy thương mại sang thị trường Nga. Đồ họa: Phùng Nguyệt
Tháo gỡ khó khăn - tận dụng lợi thế
Mặc dù các mặt hàng xuất nhập khẩu chính của Việt Nam và LB Nga được mở rộng và đa dạng (giai đoạn 10 tháng đầu năm 2020, kim ngạch thương mại hai nước đạt 4,1 tỷ USD, tăng khoảng 8% so cùng kỳ năm 2019), song trong quan hệ thương mại hai nước còn nhiều khó khăn cần khắc phục.
Một trong những khó khăn đó là khoảng cách địa lý, bởi hàng hóa từ Việt Nam sang Tây Âu chỉ mất 25-30 ngày thì hàng hóa sang Nga mất đến 80 ngày. Việt Nam phải đưa hàng hóa qua cảng châu Âu rồi mới vòng lại Nga hoặc chuyển tới cảng Vladivostock (thuộc vùng viễn Đông của Nga) rồi đi tiếp theo đường xuyên Nga từ Đông sang Tây nên chi phí cao hơn so với các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Ấn Độ… Đây thực sự là khó khăn với các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là hàng nông sản của Việt Nam.
Ngoài ra, các rào cản phi thuế quan như thủ tục hành chính, hải quan, yêu cầu kiểm dịch thực vật… ảnh hưởng không nhỏ đến việc tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga. Hai nước cần tăng số lượng doanh nghiệp có quyền xuất khẩu nông sản sang thị trường hai bên.
Ông Đặng Hoàng Hải - Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) cho rằng, để quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước Việt Nam - Liên bang Nga đạt được những kết quả cao hơn cần có những cơ chế, chính sách thuận lợi cho khâu thanh toán giữa doanh nghiệp hai nước; đề xuất giải pháp cải thiện chi phí vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang thị trường Nga. Ngoài ra, đẩy mạnh tuyên truyền về thị trường Nga cho doanh nghiệp trong nước đồng thời quảng bá sản phẩm hàng hóa Việt Nam tại thị trường này..
Hai bên cần xem xét tháo gỡ những rào cản thuế quan trong xuất, nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt đối với các mặt hàng nông thủy, hải sản, qua đố phấn đấu nâng kim ngach thương mại hai chiều.
Các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần bảo đảm, duy trì chất lượng tốt, cải tiến mẫu mã, xây dựng và đăng ký thương hiệu với những mặt hàng đã có uy tín tại thị trường Nga. Quan trọng nhất là doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược, có cam kết mạnh mẽ về chất lượng hàng Việt nhưng giá cả phải cạnh tranh. Cần có biện pháp tháo gỡ những vướng mắc trong thủ tục thanh toán của các doanh nghiệp tại Nga. Về phía doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, cần tìm hiểu kỹ thị trường Nga.
"Ngoài ra, để thúc đẩy hoạt động đầu tư của Nga vào Việt Nam và ngược lại, cần tổ chức nhiều cuộc gặp cấp cao cũng như các diễn đàn doanh nghiệp giữa hai nước; tăng cường triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương tại thị trường trọng điểm của Nga", ông Hải nhấn mạnh.
Tin rằng, với những thành tựu và truyền thống tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam và Nga, cùng sự nỗ lực của chính phủ hai nước trong việc thực thi những chính sách thuận lợi thương mại sẽ tạo bước đà đưa quan hệ kinh tế, thương mại đầu tư giữa hai nước phát triển lên tầm cao mới.
Trương HưngTrong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.