Tăng 5 bậc, Việt Nam lọt top 20 nền kinh tế về thu hút FDI của thế giới
Báo cáo đầu tư 2021 của Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) mới công bố cho thấy, lần đầu tiên, Việt Nam lọt top 20 nước thu hút FDI nhiều nhất thế giới với số vốn FDI 16 tỷ USD năm 2020.
Việt Nam đã tăng 5 bậc để lần đầu tiên vươn lên xếp vị trí thứ 19 trong danh sách các nền kinh tế thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều nhất thế giới, cao hơn Nhật (vị trí thứ 20) với 10 tỷ USD.
Singapore và Nhật Bản dẫn đầu trong danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Cụ thể, Singapore với 5,64 tỉ USD, chiếm gần 37% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Nhật Bản đứng thứ hai với 2,44 tỉ USD, tăng gần 67% so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam cũng được đánh giá còn nhiều dư địa để cạnh tranh nguồn vốn FDI trong xu hướng chuyển dịch sản xuất toàn cầu hiện nay với các đối thủ lớn khác, điển hình như Trung Quốc.
Theo báo cáo mới công bố này, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu dự kiến sẽ chạm đáy vào năm 2021, và phục hồi một phần với mức tăng khoảng 10 - 15%. Dòng vốn FDI toàn cầu năm 2020 đã giảm 35% xuống còn 1.000 tỷ USD từ mức 1.500 tỷ USD năm 2019.
UNCTAD cũng cho biết, tác động của đại dịch COVID-19 đối với dòng vốn FDI toàn cầu tập trung vào nửa đầu năm ngoái khi số lượng dự án mới giảm, các thương vụ mua bán sáp nhập cũng hạn chế khiến riêng dòng vốn vào hoạt động mua cổ phần giảm đến 50%.
Xét theo khu vực địa lý, FDI giảm trên khắp thế giới, ngoại trừ châu Á. Dòng vốn FDI giảm không đồng đều ở các khu vực đang phát triển, ở mức -45% tại Mỹ Latinh và Caribbean, -16% ở châu Phi. Tuy vậy, dòng vốn đổ về các nước châu Á lại tăng 4% và khu vực châu Á chiếm một nửa vốn FDI toàn cầu. Các nước châu Á thu hút nhiều FDI nhất là Trung Quốc với 149 tỉ USD, Singapore 94 tỉ USD, Ấn Độ 64 tỉ USD.
UNCTAD nhận định, dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều quốc gia đóng cửa biên giới để đối phó đã làm trì hoãn các dự án đầu tư. Dẫn đến việc các doanh nghiệp đa quốc gia phải đánh giá lại các dự án mới. Do đó, để thu hút nhiều hơn dòng vốn FDI các nền kinh tế cần phải thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng và chuyển đổi năng lượng, cũng như tăng cường tính tự cường của các nền kinh tế, cùng với việc chú trọng lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Huyền My (T/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.