Tăng cả lượng và giá, xuất khẩu cao su 4 tháng 'cán đích' 817 triệu USD
Theo số liệu của Bộ Công Thương, xuất khẩu cao su trong 4 tháng đầu năm 2021 tăng tới 79,6% về lượng và tăng 111,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, đạt 486 nghìn tấn, trị giá 817 triệu USD.
Cao su hiện đang là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh nhất trong số các mặt hàng nông lâm thủy sản 4 tháng đầu năm 2021. Chỉ riêng trong tháng 4 khối lượng cao su xuất khẩu ước đạt 80.000 tấn với giá trị 143 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cao su 4 tháng đầu năm 2021 đạt 486.000 tấn và 817 triệu USD, tăng 79,6% về khối lượng và tăng 111,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Trung Quốc, Ấn Độ và Hoa Kỳ là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam. Cụ thể, theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, năm 2020, tổng lượng xuất khẩu cao su thiên nhiên sang thị trường Trung Quốc ước đạt 1,36 triệu tấn, chiếm 77,9% tổng lượng xuất khẩu (số liệu được cập nhật mới nhất vào ngày 22/4/2021). Riêng quý I/2021, Trung Quốc vẫn là thị trường Việt Nam xuất khẩu cao su nhiều nhất với lượng ước đạt 290.159 tấn, chiếm 71,38% tổng lượng xuất khẩu.
Cũng trong quý I/2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang hầu hết các thị trường đều tăng mạnh. Tiếp theo sau thị trường Trung Quốc, lượng cao su xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ trong quý I/2021 cũng tăng mạnh 43,5% so với cùng kỳ năm 2020; sang thị trường Mỹ tăng 71%; sang thị trường Hàn Quốc tăng 52%.
Ở chiều nhập khẩu, khối lượng nhập khẩu cao su trong tháng 4/2021 ước đạt 90.000 tấn với giá trị đạt 158,5 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị cao su nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2021 đạt 594.900 tấn và 849,5 triệu USD, tăng 144,4% về khối lượng và tăng 126,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.
Campuchia (chiếm 44,1% thị phần), Hàn Quốc (9,5%), Trung Quốc (7,4%) là ba thị trường cung cấp cao su chính cho Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2021. So với cùng kỳ năm 2020, giá trị nhập khẩu cao su từ Campuchia tăng 11 lần, Hàn Quốc tăng 22,4% và Trung Quốc tăng 130,2%.
Nhìn nhận về diễn biến thị trường, Bộ NN&PTNT cho rằng, bên cạnh việc đóng cửa nhà máy do đại dịch và tình trạng thiếu chip, ngành công nghiệp sản xuất ô tô toàn cầu còn phải đối mặt với tình trạng cạn kiệt nguồn cung cao su. Nguồn cung cao su toàn cầu bị ảnh hưởng do tình trạng thiếu container vận chuyển. Việc Trung Quốc tăng cường dự trữ và dịch bệnh hoành hành cũng ảnh hưởng đến sản lượng cao su cung cấp ra thị trường. Vì vậy, các chuyên gia dự báo trong giai đoạn trung hạn từ năm 2021-2024, giá cao su thế giới có thể sẽ bước vào chu kỳ tăng giá mới do nguồn cung cao su đang giảm dần.
Huyền ThươngTrong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.