Tăng cường cung ứng hàng thiết yếu phục vụ người dân khu vực ảnh hưởng bão số 3
Bộ Công thương đã có công điện hoả tốc chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc và các thương nhân, các hiệp hội ngành hàng sản xuất, kinh doanh các loại hàng hóa về việc tăng cường cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân địa phương ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi), thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Để bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cho người dân, đồng thời tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kiên quyết không để tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý (đặc biệt là thuốc chữa bệnh, sách giáo khoa, các loại đồ dùng học tập, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng và các loại vật tư, sinh phẩm, giống cây trồng, vật nuôi…), phục vụ khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp và sinh hoạt của nhân dân sau bão, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu:
Vụ Thị trường trong nước điều tiết hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố đang bị ảnh hưởng của mưa, lũ với các tỉnh, thành phố khác (ưu tiên việc điều tiết hàng hóa cung ứng từ miền Trung và miền Nam) khi có đề nghị của địa phương nhằm bảo đảm duy trì cung ứng hàng hóa thiết yếu, chú trọng hàng hóa cho nhu cầu học tập của học sinh, chữa bệnh của bệnh nhân, cho nhóm người yếu thế trong xã hội tại các địa phương chịu tác động nặng nề của mưa, lũ.
Tổng hợp các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong cung ứng hàng hóa thiết yếu tại các tỉnh; tham mưu, đề xuất hướng xử lý trong tình huống khẩn cấp, báo cáo kịp thời lãnh đạo bộ trong trường hợp vượt thẩm quyền.
Đối với lực lượng quản lý thị trường, Bộ Công thương giao nhiệm vụ, tăng cường công tác giám sát, quản lý theo địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch và thực hiện phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát. Trên cơ sở đó, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vilợi dụng ảnh hưởng của cơn bão số 3 để đầu cơ, găm hàng, tăng giá hoặc các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật.
Phối hợp với cơ quan truyền thông, thông tin công khai về hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thiên tai hoặc diễn biến bất thường khác để thu lợi bất chính, gây tác động tiêu cực đến đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân.
Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phía Bắc chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, lũ, ngập phối hợp với các đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng hóa triển khai ngay các biện pháp sử dụng ngay hàng hóa dự trữ và các nguồn huy động xã hội hóa để hỗ trợ, bảo đảm cung ứng đủ các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng phục vụ công tác khắc phục sau bão cho các vùng bị ảnh hưởng của bão, lũ; vận động, giám sát, yêu cầu các đơn vị kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng vật liệu xây dựng, vật tư sửa chữa, mặt hàng sách giáo khoa, thuốc chữa bệnh, máy phát điện, dụng cụ tích điện, tích nước… cam kết bình ổn giá hàng hóa.
Đánh giá tình hình diễn biến thực tế tại địa phương và mặt bằng giá thị trường của hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn, trong trường hợp cần thiết, có văn bản gửi Sở Tài chính tổng hợp, trình UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định chủ trương, biện pháp, thời hạn bình ổn giá phù hợp. Các biện pháp bình ổn giá bao gồm: điều hòa cung cầu hoặc định giá cụ thể, giá tối đa, giá tối thiểu hoặc khung giá phù hợp với tính chất của từng loại hàng hóa, dịch vụ. Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp và có quy định khác về việc thực hiện bình ổn giá thì thực hiện theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp...
Tại công điện này, Bộ Công thương yêu cầu thương các doanh nghiệp sản xuất: Tăng cường năng lực sản xuất để đảm bảo cung ứng đủ nguồn hàng cho các địa phương; Ưu tiên nguồn cung các mặt hàng có nhu cầu cao như lương thực, thực phẩm và các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu như vật liệu xây dựng, thuốc chữa bệnh, hàng tiêu dùng,... cho nhu cầu tại các vùng bị thiệt hại do bão, mưa, lũ.
Đối với các doanh nghiệp phân phối, Bộ Công thương yêu cầu không được đầu cơ, tích trữ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào. Tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng, sở công thương trên địa bàn các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng của bão, mưa, lũ, cung cấp hàng hóa cứu trợ, hàng hóa nhu yếu phẩm cho người dân, đặc biệt là tại các địa bàn bị chia cắt.
Bộ Công thương đặc biệt quan tâm chỉ đạo yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc nhanh chóng khôi phục hệ thống điện, đảm bảo cung ứng xăng dầu.
Cụ thể, Bộ Công thương cũng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam chỉ đạo các Tổng công ty điện lực và Công ty điện lực các tỉnh ưu tiên bảo đảm nguồn điện cho các trạm bơm phục vụ công tác tiêu úng, chống ngập để sớm khôi phục lại các vùng trồng bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3, cung cấp nước sạch cho tiêu dùng, nước ngọt cho sản xuất, kinh doanh.
Chỉ đạo các đơn vị trong ngành điện tại các địa phương ít bị ảnh hưởng bởi bão để huy động lực lượng, phương tiện, vật tư để sớm hỗ trợ khắc phục sự cố hệ thống điện do bão gây ra nhằm đảm bảo khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân...
Đối với xăng dầu, lãnh đạo ngành Công thương yêu cầu thương thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ động nguồn hàng, cung cấp đủ xăng dầu cho hệ thống, tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống phân phối xăng dầu của mình (từ đầu mối, thương nhân phân phối, đại lý, cửa hàng bán lẻ), duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, bán đúng giá niêm yết; thực hiện nghiêm việc dự trữ xăng dầu theo quy định, bảo đảm cung cấp đủ xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống.
Chuẩn bị sẵn sàng nguồn hàng, phương tiện vận tải đường bộ để kịp thời cung ứng xăng dầu, nhất là khu vực miền Bắc. Có phương án cung cấp xăng dầu lưu động đến những khu vực ngập, lụt, mất điện chưa khôi phục ngay được cơ sở hạ tầng.
Các thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu chủ động nguồn cung xăng dầu, thực hiện việc dự trữ xăng dầu phù hợp, cung ứng đủ, kịp thời xăng dầu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo hợp đồng đã ký nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường miền Bắc.
Huyền My (t/h)Trong báo cáo vừa công bố, tổ chức xếp hạng thị trường chứng khoán quốc tế FTSE Russell chưa nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Tổ chức xếp hạng cho rằng Việt Nam cần tiếp tục cải thiện tiêu chí nếu muốn đạt mục tiêu nâng hạng vào năm 2025.