Tăng cường đầu tư cải tạo, mở rộng trường học: Giảm quá tải, nâng chất lượng

Giáo dục
07:33 AM 03/07/2020

Năm học 2020-2021, việc giảm dần sĩ số học sinh/lớp, tiến tới đáp ứng theo mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo được ngành Giáo dục Hà Nội xác định là nhiệm vụ cấp thiết, nhất là khi số lượng học sinh trong độ tuổi ra lớp hằng năm ngày càng tăng. Tập trung đầu tư cải tạo, mở rộng trường học là giải pháp đang được các đơn vị khẩn trương triển khai nhằm giảm tình trạng quá tải học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục.

Hà Nội tiếp tục quan tâm đầu tư hoàn thiện về cơ sở vật chất để bảo đảm chất lượng dạy và học. Trong ảnh: Một tiết học của học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Tây Sơn (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: Quang Thái

Nhiều nơi đối mặt nguy cơ quá tải 

Thống kê, rà soát chuẩn bị cơ sở vật chất cho công tác tuyển sinh năm học 2020-2021 của các địa phương cho thấy, không ít trường đang đứng trước nguy cơ quá tải.

Địa phương hiện có số lượng học sinh đông nhất thành phố Hà Nội là quận Hoàng Mai với 92.000 học sinh. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Trần Quý Thái, số học sinh vào các lớp đầu cấp năm học 2020-2021 trên địa bàn tăng hơn 3.000 em so với năm học trước. Nếu theo quy định của điều lệ trường học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành là không quá 35 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học, không quá 45 học sinh/lớp đối với cấp trung học cơ sở, thì quận Hoàng Mai còn thiếu khoảng 30 trường. 

Còn Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trịnh Thị Dung cho hay, tất cả trường công lập trên địa bàn đều có quy mô học sinh lớn. Đơn cử, số học sinh vào lớp 6 năm học 2020-2021 là hơn 4.100 em, nếu giao chỉ tiêu tuyển sinh theo đúng điều lệ trường học thì chỉ có hơn 3.500 em được nhận. 

Trong khi đó, quận Ba Đình hiện có tình trạng chênh lệch về quy mô học sinh giữa các trường học. Điển hình là trong khi Trường Trung học cơ sở Giảng Võ có 3.000 học sinh (bao gồm nhiều em học trái tuyến), thì một số trường lại thường gặp khó khăn khi tuyển sinh.

Thực tế cho thấy, hiện tượng quá tải về số lượng học sinh thường xảy ra tại một số trường ở khu vực các quận: Ba Đình, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Đống Đa... Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại nhận định: Với hơn 2 triệu học sinh, 2.700 trường học như hiện nay, về cơ bản học sinh ở Hà Nội có đủ chỗ học. Hiện tượng sĩ số học sinh/lớp cao hơn so với quy định chỉ xảy ra cục bộ ở một số địa phương. Nguyên nhân cơ bản là do một số nơi có tốc độ tăng dân số cơ học nhanh, hệ thống trường lớp chưa kịp đáp ứng.

Trong khi đó, bà Trần Mai Lan, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Lý Thường Kiệt (quận Đống Đa) nêu thực tế, hiện tượng quá tải học sinh ở một số trường còn do tâm lý chọn trường của phụ huynh. Nhiều gia đình có hộ khẩu tại quận này, nhưng lại xin cho con học trái tuyến ở quận khác.

Việc bảo đảm sĩ số học sinh/lớp học theo quy định sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Ảnh: Đỗ Tâm

Tạo đồng đều về quy mô, chất lượng giáo dục

Xác định việc giảm sĩ số học sinh/lớp theo đúng mức quy định của điều lệ trường học, bảo đảm quyền lợi của học sinh, các đơn vị, địa phương đã và đang tập trung nguồn lực để bổ sung trường, lớp học, tạo sự đồng đều về quy mô và bảo đảm chất lượng giáo dục. 

Trước bối cảnh số lượng học sinh tăng nhanh, quận Thanh Xuân xác định việc giảm sĩ số học sinh/lớp được thực hiện theo lộ trình cùng với việc tăng cường đầu tư xây dựng trường, lớp học, ưu tiên nơi đông dân cư. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân Phạm Gia Hữu cho biết: Năm học 2020-2021, ngành Giáo dục quận phấn đấu giảm sĩ số mỗi lớp từ 2 đến 3 học sinh so với năm học trước. Có 5 trường học đang được cải tạo, nâng cấp với tổng kinh phí 356 tỷ đồng nhằm kịp thời đưa vào sử dụng từ tháng 9-2020.

Còn Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Phạm Thị Diễm thông tin: Quận đã chỉ đạo các đơn vị rà soát số học sinh trong độ tuổi, lưu ý đến những nơi thường có số học sinh học trái tuyến cao; tổ chức phân tuyến tuyển sinh phù hợp để hạn chế hiện tượng chênh lệch quy mô học sinh giữa các trường. Trước mắt, năm học 2020-2021, quy mô tuyển sinh của Trường Trung học cơ sở Giảng Võ sẽ giảm 2 lớp so với năm học trước và sẽ giảm dần theo lộ trình cùng với việc tăng cường đầu tư bổ sung trường, lớp tại khu vực này. Ngoài ra, quận đang cải tạo, xây mới 16 trường học, góp phần đáp ứng chỗ học, tạo điều kiện nâng cao chất lượng dạy, học ở những trường còn khó khăn về tuyển sinh.

Với mục tiêu có 100% số trường công lập đạt chuẩn vào cuối năm 2020, huyện Đan Phượng đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng trường lớp để bảo đảm sĩ số học sinh/lớp theo quy định. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đan Phượng Bùi Thị Thu Hằng cho hay: Bên cạnh việc cải tạo, nâng cấp nhiều trường học, huyện Đan Phượng đang khẩn trương xây dựng thêm 2 trường để tách 2 trường có quy mô học sinh quá đông là Trường Mầm non Tân Hội và Trường Tiểu học Tân Lập. 

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng, năm học 2020-2021, các đơn vị phải tổ chức phân tuyến khoa học, hạn chế tối đa việc nhận học sinh trái tuyến, đồng thời quan tâm đầu tư toàn diện để tạo sự đồng đều về quy mô, chất lượng giáo dục giữa các trường. Nhằm giảm dần sĩ số học sinh/lớp ở một số nơi, Sở đề nghị các địa phương quan tâm, tạo điều kiện phát triển hệ thống trường ngoài công lập về mọi mặt, trong đó có công tác tuyển sinh để vừa đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của học sinh, vừa giảm áp lực cho các trường công lập. Các phòng giáo dục và đào tạo cần chủ động tham mưu với chính quyền tăng cường đầu tư mở rộng trường, lớp, xây dựng thêm nhiều trường chuẩn quốc gia.

Thống Nhất
Ý kiến của bạn