Tăng cường giám sát hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trong dịp Tết
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có công văn gửi Cục Đường bộ Việt Nam; Sở GTVT, GTVT - Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý đảm bảo chấp hành đúng quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trong dịp Tết Nguyên đán và Mùa lễ hội xuân năm 2023.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo phục vụ người dân đi lại trong dịp Tết Nguyên đán và Mùa lễ hội xuân năm 2023 an toàn, thuận lợi, Bộ GTVT đã có nhiều văn bản chỉ đạo về việc tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong hoạt động vận tải hành khách.
Tuy nhiên thời gian qua vẫn còn một số nơi và một số đơn vị bến xe, đơn vị kinh doanh vận tải chưa thật sự chú trọng công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến xe ô tô khách kinh doanh vận tải.
Do đó, để phòng tránh tai nạn giao thông, đồng thời tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô, Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường bộ Việt Nam, các Sở GTVT, GTVT - Xây dựng thực hiện nghiêm kế hoạch của Bộ GTVT về công tác phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông gắn với phòng, chống dịch trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân Quý Mão năm 2023.
Cục Đường bộ Việt Nam tăng cường chia sẻ, phối hợp giám sát hoạt động kinh doanh vận tải thông qua thiết bị giám sát hành trình và camera gắn trên phương tiện kinh doanh vận tải; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các Sở GTVT và đơn vị chức năng trong quản lý, giám sát hoạt động vận chuyển khách trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội xuân 2023, chú trọng đối với hoạt động kinh doanh vận tải hành khách du lịch và vận tải hành khách theo hợp đồng.
Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đường bộ cũng phải rà soát, kiểm tra việc thực hiện các quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh trong hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô; tăng cường quản lý theo dõi và phối hợp đối với bến xe khách trong việc thực hiện nghiêm các quy định về trách nhiệm của bến xe trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định.
Sở GTVT các tỉnh, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo lực lượng thanh tra tăng cường việc kiểm tra xử lý vi phạm (nếu có) đối với các hoạt động vận tải khách; tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; các quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển và chủ phương tiện khi vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh vận tải.
Sở GTVT các tỉnh, thành phố phải yêu cầu các bến xe khách kiểm tra thực hiện nghiêm quy định về phương tiện và người lái trước khi xuất bến, bảo đảm tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật về an toàn kỹ thuật phương tiện, kiên quyết không cho xe xuất bến khi phát hiện vi phạm và phối hợp với Sở GTVT để xử lý; các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô bố trí đủ lái xe, nhân viên phục vụ, tổ chức thời gian làm việc hợp lý bảo đảm sức khỏe của lái xe, thường xuyên nhắc nhở lái xe không vi phạm quy định về nồng độ cồn, thực hiện đúng khoảng cách, tốc độ khi điều khiển phương tiện kinh doanh vận tải.
Các đơn vị nói trên phải tăng cường rà soát, kiểm tra các điểm thường xuyên có xe vi phạm dừng đón trả khách sai quy định; đẩy mạnh việc sử dụng hình ảnh qua hệ thống camera giám sát để phối hợp lực lượng chức năng trong xử lý xe dừng, đỗ đón trả khách sai quy định (đặc biệt là đối với TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội).
Cùng với đó, cần tạo điều kiện thuận lợi cho các tuyến vận tải khách cố định đang hoạt động được hoạt động ổn định theo quy định; bổ sung điều chỉnh tần suất tuyến cố định theo đề xuất của đơn vị kinh doanh vận tải đối với các tuyến còn tần suất theo biểu đồ; không hạn chế xe giường nằm và các loại phương tiện của tuyến cố định hoạt động trên lộ trình tuyến cố định đã được công bố.
Quang Lộc (T/h)Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.