Tăng cường hợp tác tài chính để hỗ trợ phục hồi kinh tế
Ngày 18/9/2020, tại Hà Nội, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3 lần thứ 23 (AFMGM+3) đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Lãnh đạo AFMGM+3 nhất trí tăng cường hợp tác tài chính để hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Đinh Tiến Dũng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng đồng chủ trì Hội nghị cùng Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Aso Taro và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Kuroda Haruhiko.
Tham dự hội nghị, cùng với các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước trong khu vực ASEAN+3 còn có sự tham gia của Tổng Thư ký ASEAN, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Giám đốc khu vực Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Giám đốc Cơ quan Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO).
Hợp tác tài chính là yếu tố quan trọng
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Covid-19 đang gây ra những tác động nặng nề đến kinh tế toàn cầu và khu vực. IMF dự báo kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ suy giảm 4,9% trong khi kinh tế châu Á giảm 1,6%. Các nền kinh tế trong khu vực đang phải đối mặt với những thách thức to lớn.
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Hội nghị là dịp để các Bộ trưởng, các Thống đốc Ngân hàng Trung ương chia sẻ những quan điểm, giải pháp nhằm ứng phó với bệnh dịch, đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống tài chính, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước ASEAN cùng với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản và lãnh đạo các tổ chức tài chính quốc tế đã đối thoại chính sách về tình hình kinh tế vĩ mô toàn cầu và khu vực cũng như các biện pháp nhằm ứng phó trước đại dịch Covid-19.
Thảo luận về triển vọng phát triển kinh tế toàn cầu và khu vực, các Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN+3 và lãnh đạo các tổ chức tài chính quốc tế đã cùng nhau chia sẻ quan điểm về những rủi ro và thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra đối với kinh tế toàn cầu và khu vực. Hội nghị cũng chia sẻ về các giải pháp chính sách mà các nền kinh tế khu vực đã và đang triển khai nhằm ngăn chặn đại dịch và phục hồi tăng trưởng kinh tế, bao gồm gói các giải pháp về tài khóa, tiền tệ và quy định quản lý hệ thống tài chính.
Các Bộ trưởng và Thống đốc nhận định, trong bối cảnh các nền kinh tế ngày càng phụ thuộc lẫn nhau, các tác động do đại dịch gây ra đối với chuỗi cung ứng toàn cầu càng trở nên nghiêm trọng. Điều này đặt ra yêu cầu đối với các cơ quan quản lý tài chính, tiền tệ trong việc xây dựng, ban hành các biện pháp, chính sách kinh tế vĩ mô kịp thời, hiệu quả nhằm tăng cường khả năng chống chịu của các nền kinh tế trước các cú sốc, qua đó giúp duy trì sự ổn định và toàn vẹn của hệ thống tài chính.
Các đại biểu nhất trí cho rằng hợp tác khu vực, trong đó có hợp tác tài chính là yếu tố quan trọng giúp các quốc gia tăng cường năng lực phối hợp và ứng phó với các tác động của đại dịch và hỗ trợ phục hồi kinh tế một cách bền vững.
Nhiều sáng kiến hợp tác tài chính ASEAN+3
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN+3 đã thông qua các nội dung kỹ thuật quan trọng, bao gồm: sửa đổi Thoả thuận Đa phương hóa Sáng kiến Chiềng Mai (CMIM), trong đó có nội dung tăng tỷ lệ tiếp cận chương trình CMIM không gắn với các khoản vay của IMF từ 30% lên 40% và các tài liệu hướng dẫn triển khai thực hiện Thỏa thuận CMIM, bao gồm Sổ tay hướng dẫn thực hiện giao dịch hoán đổi CMIM, Hướng dẫn áp dụng khuôn khổ điều kiện chương trình CMIM gắn và không gắn với chương trình của IMF; kế hoạch triển khai chạy thử nghiệm CMIM bằng tiền thật lần thứ 11.
Các kết quả nêu trên góp phần tích cực trong việc tăng tính sẵn sàng, hiệu quả hoạt động của CMIM, đáp ứng các yêu cầu mới của thị trường tài chính, hướng tới mục tiêu đưa CMIM trở thành công cụ hữu hiệu nhằm bổ sung cho mạng lưới an ninh tài chính khu vực và toàn cầu. Các kết quả hợp tác đạt được của Sáng kiến CMIM có ý nghĩa quan trọng trong việc thắt chặt hợp tác và tăng cường hỗ trợ lẫn nhau trong bối cảnh kinh tế khu vực đang đối mặt với nhiều khó khăn và bất ổn.
Hội nghị đánh giá cao những nỗ lực của AMRO với tư cách là một tổ chức quốc tế trong thời gian qua đã triển khai tích cực các hoạt động giám sát kinh tế vĩ mô, cung cấp các đánh giá, phân tích tác động của dịch bệnh Covid-19 đối với khu vực và đưa ra các khuyến nghị chính sách nhằm đảm bảo duy trì ổn định tình hình kinh tế vĩ mô và tài chính khu vực.
Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương cũng ghi nhận và đánh giá cao tiến độ thực hiện và kết quả đạt được của các nhóm công tác thuộc sáng kiến Thị trường Trái phiếu châu Á (ABMI) trong việc nghiên cứu nâng cao môi trường thu hút nhà đầu tư, phát triển thêm công cụ đầu tư mới, hoàn thiện khung khổ pháp lý, phát triển cơ sở hạ tầng cho thị trường trái phiếu cũng như các hoạt động triển khai các chương trình hỗ trợ kỹ thuật để phát triển thị trường trái phiếu trong nước của các nền kinh tế thành viên.
Nhằm tăng cường ổn định kinh tế và tài chính khu vực, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương hoan nghênh việc triển khai các sáng kiến mới trong khuôn khổ Định hướng chiến lược Tiến trình Hợp tác Tài chính ASEAN+3, bao gồm các sáng kiến: Thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ cho thanh toán thương mại và đầu tư, cũng như kết nối thanh toán; Phát triển sáng kiến toàn diện về tài chính cơ sở hạ tầng; Thiết kế các công cụ hỗ trợ để giúp các thành viên giải quyết tốt hơn các vấn đề về cấu trúc kinh tế vĩ mô; Hài hòa hóa các sáng kiến hợp tác về tài chính chống biến đổi khí hậu như Sáng kiến Cơ chế Bảo hiểm Rủi ro thiên tai (SEADRIF) và Tăng cường phối hợp chính sách để khai thác lợi ích của tiến bộ công nghệ trong việc giảm thiểu các rủi ro tài chính.
Với sự nhất trí cao, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương đã thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN+3 lần thứ 23.
P. ThủyKhi cái lạnh mùa đông tràn về, không ít du khách chọn cách “chạy trốn” rét buốt để tìm đến những miền đất ấm áp, rực rỡ ánh đèn lễ hội.