Tăng cường kết nối vận tải hàng hoá đa phương thức, nâng cao dịch vụ Logistics

Doanh nghiệp - Doanh nhân
11:15 AM 09/09/2020

Việc chỉ tập trung khai thác vận tải đường bộ trong vận chuyển hàng hóa nông sản xuất khẩu đã ảnh hưởng nhất định đến năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Trong khi đó, vận tải bằng đường sắt, hàng không lại có rất nhiều tiềm năng để phát triển mà chưa được chú ý đến.

Ngày 8/9, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương phối hợp với Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (VITIC), Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) tổ chức Hội nghị trực tuyến: Kết nối doanh nghiệp nông sản - đường sắt - hàng không nhằm tăng cường kết nối vận tải hàng hoá đa phương thức, nâng cao dịch vụ Logistics.

Tăng cường kết nối vận tải hàng hoá đa phương thức, nâng cao dịch vụ Logistics - Ảnh 1.

Hội nghị trực tuyến kết nối doanh nghiệp nông sản - đường sắt - hàng không

Tại hội nghị, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, nông sản là một trong những ngành xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước, trong đó có nhiều mặt hàng nằm trong nhóm các nước xuất khẩu lớn trên thế giới như gạo, cà phê, hạt điều, hạt tiêu, cao su...

Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản của Việt Nam hiện nay đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó hoạt động logistics đối với nông sản đang là một trong những yếu tố khiến nông sản Việt khó phát huy được lợi thế cạnh tranh.

Theo kết quả khảo sát doanh nghiệp logistics về phương thức vận tải để vận chuyển hàng nông sản và hàng lạnh, đường bộ vẫn là sự lựa chọn hàng đầu đối với các doanh nghiệp do sự linh hoạt, thời gian vận chuyển nhanh và cũng là một phương thức "truyền thống", được dùng để xuất khẩu sang các thị trường có chung đường biên giới với nước ta. Tiếp đến là đường biển do chi phí thấp, thích hợp với việc xuất khẩu sang các thị trường xa và với các mặt hàng có tính thời vụ thấp. Tỷ lệ sử dụng đường sắt và đường hàng không hiện nay chưa nhiều do chi phí vận chuyển cao, chưa phù hợp với các mặt hàng nông sản giá trị thấp, vận tải đường sắt thiếu kết nối linh hoạt...

Tăng cường kết nối vận tải hàng hoá đa phương thức, nâng cao dịch vụ Logistics - Ảnh 2.

Ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp nhằm khẳng định quyết tâm kết nối, đưa các tiềm năng vận tải hàng hóa trong ngành đường sắt, hàng không trở thành hiện thực

Việc chỉ tập trung khai thác vận tải đường bộ trong vận chuyển hàng hóa nông sản xuất khẩu đã ảnh hưởng nhất định đến năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam do chi phí vận tải đường bộ khá cao, bên cạnh đó, vẫn xảy ra tình trạng ùn ứ hàng hóa tại khu vực cửa khẩu vào dịp cao điểm. Các đại biểu cho rằng, trong thời gian tới cần đẩy mạnh vận chuyển nông sản bằng đường sắt và đường hàng không. Bởi, hai phương thức vận chuyển này có rất nhiều tiềm năng để phát triển mà ngành nông sản chưa chú trọng khai thác hết.

Ông Nguyễn Chính Nam, Trưởng Ban Kế hoạch - Kinh doanh, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam khẳng định, đường sắt là loại hình vận chuyển phù hợp nhất với đặc trưng của hàng nông sản. Cụ thể, đường sắt có thể vận chuyển 60.000 tấn hàng/ngày đêm, các toa xe có tải trọng bình quân 30 tấn/toa, mỗi đoàn tàu bình quân từ 18-21 toa, khối lượng hàng hóa có thể vận chuyển lên tới 630 tấn/đoàn tàu.

Bên cạnh đó, đường sắt là phương tiện vận chuyển an toàn, lịch tàu ổn định, thời gian vận chuyển nhanh chóng, chế độ bảo quản tốt để duy trì chất lượng sản phẩm. Đối với các container lạnh tự hành sẽ theo dõi và điều khiển nhiệt độ từ xa…

"Tuy sản lượng xuất nhập khẩu hàng nông sản rất lớn, nhưng thị phần vận chuyển bằng đường sắt còn khiêm tốn. Theo thống kê, sản lượng vận chuyển hoa quả xuất nhập khẩu bằng đường sắt mới đạt 1,8% so với tổng sản lượng xuất nhập khẩu", ông Nguyễn Chính Nam nói.

Ông Đỗ Xuân Quang, Phó Tổng Giám đốc Vietjet Air cho hay, mặc dù còn nhiều thách thức nhưng thị trường vận tải hàng không Việt Nam vẫn có nhiều tiềm năng cho sự phát triển bền vững và lâu dài phục vụ cho việc sản xuất, lưu thông và phân phối các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam. Vận chuyển hàng không tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tiếp cận với thị trường quốc tế dễ dàng hơn. Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như hàng hóa có giá trị cao và hàng hóa đặc biệt (điện tử, dệt may) và sản phẩm nông nghiệp như hoa quả, rau củ, hoa cắt cành và thủy hải sản (đông lạnh và tươi sống) tiếp cận nhanh với thị trường quốc tế.

"Vận tải hàng không chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng khối lượng hàng hóa của Việt Nam, tuy nhiên giá trị chiếm đến 25% tổng giá trị xuất khẩu của đất nước. Thị trường này được dự báo sẽ đóng góp khoảng 3 tỷ USD vào GDP của cả nước", ông Đỗ Xuân Quang nhận định, đồng thời chia sẻ, thống kê lượng hàng hóa thông qua các cảng hàng không ở Việt Nam và đội tàu bay cho thấy, năm 2020 dự kiến đạt 1,2 triệu tấn, đến 2025 đạt 2,5 triệu tấn.

Ông Vũ Tiến Dũng, Trưởng phòng Hàng hóa của Bamboo Airways thông tin, theo quy hoạch năm 2020, Bamboo Airways sẽ đẩy mạnh đường bay quốc tế nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 hãng đã phải chuyển hướng sang vận chuyển hàng hóa. Mặt khác, các đường bay quốc tế dự kiến sẽ được mở lại trong thời gian tới. Tuy nhiên, có thể thấy chiều đi các tuyến bay quốc tế, đặc biệt là các chuyến bay giải cứu công dân từ nước ngoài thì phần lớn sẽ là bay rỗng, do vậy, nếu các đối tác có nhu cầu vận chuyển hàng hóa sang các nước, hãng sẵn sàng hợp tác.

Đại diện Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại Đường sắt (Ratraco) chia sẻ thêm, công ty hiện đang cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng các loại container khô, lạnh giữa Việt Nam - Trung Quốc; vận chuyển liên vận quốc tế từ Việt Nam quá cảnh qua Trung Quốc sang các nước Á, Âu; vận chuyển từ kho đến kho... với giá cước vận chuyển hợp lý, thời gian vận chuyển bằng 2/3 so với đường biển.

Cùng với đó, hệ thống kho, bãi hàng hóa tại các ga xếp dỡ lớn, đủ tiêu chuẩn thu gom, bảo quản hàng hóa, đóng gói, phân phối hàng hóa… Đặc biệt, Ratraco đang đưa ra chương trình giảm giá 15% phí vận chuyển container cho tất cả các hàng nông sản vận chuyển tuyến Bắc - Nam (thời hạn áp dụng từ 9/9/2020-31/12/2020).

P. Thủy
Ý kiến của bạn
12 đối tượng được miễn thu tiền qua phà từ 1/1/2025 12 đối tượng được miễn thu tiền qua phà từ 1/1/2025

Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.