Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của doanh nghiệp
Sáng 22/8, tại Hà Nội, Hội thảo "Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, thách thức và quyết tâm" do Viện Chiến lược ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã diễn ra .
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng, nền kinh tế thế giới và trong nước đều có nhiều khó khăn. Tín dụng chỉ mới có tín hiệu tăng trở lại từ tháng 6, sang đến cuối tháng 7, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 4,6%, giảm khoảng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái (cùng thời điểm năm 2022, tăng trưởng tín dụng đạt 9,54%). Điều này cho thấy khả năng hấp thụ vốn tín dụng của doanh nghiệp đang rất hạn chế.
Trước tình hình đó, việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, duy trì và khôi phục sức khỏe của khu vực doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu, trong đó sự suy giảm khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn là vấn đề được đặc biệt quan tâm, cần nhanh chóng đưa ra các giải pháp, chính sách hiệu quả để tháo gỡ.
Cũng theo đại điện NHNN, thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo sát sao trong việc triển khai đồng bộ nhiều chính sách hỗ trợ khá toàn diện, tác động lên cả về phía cung và cầu để hỗ trợ doanh nghiệp. Có thể kể đến các chính sách về miễn, giảm thuế, phí và lệ phí, hỗ trợ về tài chính và tín dụng, thúc đẩy xuất khẩu và bảo vệ chuỗi cung ứng.
TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, rào cản tài chính trong môi trường kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, thách thức từ nhiều phía.
Theo TS Nguyễn Minh Thảo, hiện nay vẫn có những "điểm nghẽn" trong khả năng hấp thụ vốn tín dụng của nền kinh tế. Nguyên nhân, do vẫn còn một số hạn chế tồn tại như gói hỗ trợ lãi suất 2% không hiệu quả. Doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn từ các Quỹ phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ bảo lãnh tín dụng Doanh nghiệp nhỏ và vừa.
"Theo khảo sát của VCCI, chỉ có 7,34% số doanh nghiệp được hỏi đã tiếp cận được tín dụng từ quỹ", TS Nguyễn Minh Thảo, cho biết.
Bà Nguyễn Minh Thảo nêu các "rào cản" khác đối với doanh nghiệp như: Mức đóng bảo hiểm xã hội cao (32% tiền lương của người lao động, trong đó doanh nghiệp đóng 21,5% và người lao động đóng 10,5%). Chi phí nguyên vật liệu đầu vào, chi phí logistics tăng cao…
"Doanh nghiệp đang bị chậm hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt. doanh nghiệp xuất khẩu gỗ bị chậm hoàn thuế với con số lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Tại buổi đối thoại của Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh với doanh nghiệp Hàn Quốc ngày 16/8/2023, doanh nghiệp cũng phản ánh thực tế này. Môi trường kinh doanh tiềm ẩn nhiều rủi ro, không những không cải thiện mà còn tạo thêm rào cản và gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp", bà Thảo nhấn mạnh.
TS Nguyễn Minh Thảo đã đề xuất nhiều giải pháp khơi thông tài chính cho doanh nghiệp tại hội thảo như: Tiếp tục hạ lãi suất để doanh nghiệp dễ dàng hơn trong tiếp cận vốn vay. Tiếp tục áo dụng các hỗ trợ về cho phép cơ cấu lại nợ, mua lại trái phiếu, các gói tín dụng. Phục hồi các kênh huy động vốn khác như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Hạ thấp các điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được vốn từ các quỹ phát triển, quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ về giảm, hoãn, giãn thuế… coi trọng cải cách thể chế môi trường kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
Nhật HàThông tin tại hội nghị 21 Ban chấp hành Đảng bộ TP. Hà Nội ngày 21/1, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, tổng thu ngân sách của Hà Nội năm 2024 đạt mức 511.928 tỷ đồng, trở thành địa phương có số thu ngân sách cao nhất cả nước.