Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn PCCC trong trường học
Trong những năm qua, Công an TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm chủ động phòng ngừa, hạn chế sự cố cháy, nổ trong trường học. Trong đó, công tác kiểm tra, khắc phục những hạn chế, thiếu sót về an toàn phòng cháy, chữa cháy kết hợp với xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn phòng cháy, chữa cháy luôn được quan tâm thực hiện.
Xác định trường học là nơi tập trung đông người, chủ yếu là học sinh, trong khi các em còn thiếu và yếu về kỹ năng phòng cháy, chữa cháy. Chính vì vậy, Công an TP Hà Nội đã phối hợp với các trường học tổ chức tập huấn, nâng cao kiến thức về phòng cháy, chữa cháy cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh.
Nhiều trường học trên địa bàn Thành phố đã nghiêm túc áp dụng các kiến thức về phòng cháy, chữa cháy, với việc: Yêu cầu cán bộ, giáo viên và học sinh thường xuyên kiểm tra, thay thế, sửa chữa các thiết bị điện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy đã hư hỏng cũng như phối hợp với lực lượng Công an tổ chức tập huấn kỹ năng, tuyên truyền kiến thức phòng cháy, chữa cháy cho 100% cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường.
Các đoàn công tác của Công an TP Hà Nội cũng đã thường xuyên kiểm tra hồ sơ quản lý theo dõi về hoạt động phòng cháy, chữa cháy tại các trường học. Đồng thời, kiểm tra việc ban hành, niêm yết các biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về công tác phòng cháy, chữa cháy; kiểm tra công tác tập huấn nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy; kiểm tra việc xây dựng phương án chữa cháy và chế độ thực tập phương án chữa cháy tại môi trường trường học.
Việc kiểm tra điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy đối với các trường học, tập trung kiểm tra việc duy trì yêu cầu về ngăn cháy lan, lối thoát nạn, lối thoát khẩn cấp; hệ thống, thiết bị phòng cháy, chữa cháy; hệ thống điện; quản lý sử dụng điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất dễ cháy, nổ, thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt;... Trang bị hệ thống, thiết bị báo cháy tự động, hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà, bình chữa cháy,...
Qua kiểm tra thực tế, đa số các trường học đều chấp hành tốt các quy định về công tác phòng cháy, chữa cháy; có trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ đảm bảo số lượng; hệ thống đường dây điện được đi âm tường, trong ống nhựa, từng khu vực đều bố trí cầu dao điện bảo vệ đảm bảo an toàn;...
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số trường học còn có thiếu sót, các hoạt động phòng cháy, chữa cháy chưa được đảm bảo. Như trường hợp của Trường Phổ thông Quốc tế Thăng Long (Hoàng Mai - Hà Nội).
Vào ngày 24/11/2023, Công an quận Hoàng Mai đã lập "Biên bản kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ", trong đó nêu rõ: "Công ty Bảo Phát Việt Nam (chủ đầu tư Dự án Trường Phổ thông Quốc tế Thăng Long) đã có hành vi đưa dự án công trình, công trình vào sử dụng, hoạt động khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy...
Công an quận Hoàng Mai kiến nghị: "Để đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy cho cơ sở trong quá trình hoạt động; thực hiện nghiêm túc Luật Phòng cháy, chữa cháy, Công an quận Hoàng Mai yêu cầu Công ty Cổ phần Bảo Phát Việt Nam, Hệ thống Giáo dục Billgates School, Ban Giám hiệu Trường Mầm non Thăng Long, Trường Tiểu học quốc tế Thăng Long, Trường Trung học cơ sở quốc tế Thăng Long và Trường Trung học phổ thông quốc tế Thăng Long dừng ngay các hoạt động tại Dự án Trường Phổ thông quốc tế Thăng Long;
Yêu cầu các nhà trường trong Dự án Trường Phổ thông Quốc tế Thăng Long phải có phương án bố trí dạy học tại địa điểm mới bảo đảm công tác phòng cháy, chữa cháy… Cơ sở chỉ được phép đưa vào hoạt động khi đã chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Chủ đầu tư và lãnh đạo nhà trường phải hoàn toàn chịu trách nhiệm khi để xảy ra cháy, nổ và các sự cố tai nạn khác tại nhà trường".
Cùng với việc nhắc nhở nghiêm khắc các cơ sở giáo dục, Công an thành phố Hà Nội cũng đề nghị các trường học phải luôn xác định quan điểm công tác phòng cháy, chữa cháy phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, tham gia trực tiếp của nhân dân, lấy người dân làm chủ thể trong phòng cháy, chữa cháy.
Trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác phòng cháy, chữa cháy, nhất là tuyên truyền về kiến thức pháp luật và kỹ năng khi thoát nạn của học sinh - sinh viên.
Bên cạnh đó, huy động sức mạnh cả hệ thống chính trị, nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, phương tiện kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy đáp ứng yêu cầu khi có sự cố cháy, nổ xảy ra; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn phòng cháy, chữa cháy...
Các cơ quan, ban ngành chức năng cũng sẽ phối hợp, tăng cường kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm những trường hợp chủ quan, lơ là phòng cháy, chữa cháy trong các nhà trường.
Nguyễn HạnhCác nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.