Tăng cường liên kết giữa các hội và Công đoàn đại diện bảo vệ quyền lợi hội viên theo quy định pháp luật
Ngày 13/4/2021, tại Hà Nội, Viện công nhân, công đoàn phối hợp Quỹ Châu Á (The Asian foundation) tổ chức hội thảo "Tăng cường liên kết hội nghề nghiệp, hội Khoa học kỹ thuật (KHKT) và Công đoàn Việt Nam, đại diện bảo vệ quyền lợi hội viên theo quy định pháp luật". Tham dự hội thảo có ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Trưởng ban Điều hành dự án; ông Filip Graovac – Phó trưởng đại diện Văn phòng Quỹ Châu Á tại Việt Nam.
Lao động trình độ cao đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của mỗi đất nước. Tại Việt Nam, một phần lớn lực lượng lao động này là thành viên của các Hội Nghề nghiệp, Hội KHKT. Trong quá trình hoạt động, những Hội này phải đối diện với nhiều thách thức bao gồm hạn chế về năng lực tổ chức và nguồn lực để có thể hoạt động hiệu quả, bền vững.
Quỹ Châu Á và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhận thấy nhu cầu và cơ hội quan trọng để thúc đẩy việc tuân thủ các quyền lao động được quốc tế công nhận thông qua việc tăng cường năng lực cho các Hội Nghề nghiệp, Hội Khoa học kỹ thuật hướng tới việc thực hiện tự do liên kết. Do đó, Hội thảo tập trung trao đổi về các vấn đề thực tiễn, xác định trách nhiệm và đề xuất các mô hình, giải pháp để tổ chức Công đoàn Việt Nam và các Hội Nghề nghiệp, Hội KHKT bảo vệ quyền và lợi ích của đoàn viên, hội viên trước những biến đổi phức tạp của tình hình đời sống, việc làm, xã hội tại Việt Nam cũng như trên thế giới.
Chia sẻ về kết quả Dự án, ông Vũ Minh Tiến - Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết, trong quá trình nghiên cứu, nhóm Dự án đã đưa ra bản khuyến nghị chính sách nhiều nội dung. Trước hết là đối với các Hội Nghề nghiệp, Hội KHKT thì cần phát huy vai trò đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đội ngũ lao động kỹ thuật có tay nghề cao ở Việt Nam là góp phần thúc đẩy quyền lao động và quyền công đoàn theo quy định pháp luật; nâng cao năng lực quản trị, nguồn lực cán bộ; xây dựng và duy trì năng lực liên kết, tìm kiếm và duy trì nguồn lực tài chính của Hội nghề nghiệp và Hội KHKT
Đối với tổ chức Công đoàn thì cần tăng cường liên kết, xây dựng mối liên hệ công tác giữa các cấp Công đoàn Việt Nam với các cấp Hội nghề nghiệp và Hội khoa học kỹ thuật ở cấp Trung ương và địa phương; có chiến lược phát triển đoàn viên, có các hình thức tập hợp người lao động ở mọi khu vực (chính thức và phi chính thức) để mở rộng độ bao phủ của tổ chức Công đoàn đáp ứng nhu cầu chính đáng – khách quan là quyền có đại diện và được đại diện bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động.
Bên cạnh các hình thức công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cần có các hình thức đa dạng khác theo nhu cầu phong phú của thực tiễn như: công đoàn/nghiệp đoàn ghép, liên kết mềm; liên kết mềm giữa công đoàn với các Hội, hiệp hội, tổ chức hoặc các hình thức tập hợp, đại diện khác của người lao động có cùng mục đích nói lên tiếng nói của người lao động, đại diện bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích của mọi người lao động.
Đối với Quốc hội và Chính phủ thì cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật phù hợp với những điều ước quốc tế và cam kết quốc tế đã ký kết, trong đó bao gồm việc tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế về quyền lao động và quyền công đoàn trong các khu vực chính thức và phi chính thức….
Tại Hội thảo đã có rất nhiều các ý kiến trao đổi, kiến nghị được đưa ra của các đại biểu, chuyên gia đại diện cho các đơn vị từ trung ương đến địa phương tập trung vào nội dung chính: Tăng cường liên kết Hội Nghề nghiệp, Hội KHKT và Công đoàn Việt Nam, đại diện bảo vệ quyền lợi hội viên theo quy định pháp luật.
Kết quả Hội thảo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đại diện Liên hiệp hội KHKT, các Hội Nghề nghiệp cũng thấy được thực trạng các vấn đề và các tiềm năng liên kết. Tuy với mô hình và nhận thức về vấn đề liên kết hiện nay vẫn chưa đầy đủ nhưng với nội dung tại Hội thảo đã có nhiều thông tin được đưa ra, một vài mô hình đã được thí điểm trên thực tế đã đem lại nhiều thành công nhất định.
Trong đó nhấn mạnh đến các hình thức liên kết như ký kết văn bản phối hợp, đặt hàng công việc, nhiệm vụ thông qua các mục tiêu chung, thành lập các nghiệp đoàn, hay liên kết với các tổ chức Công đoàn địa phương, thậm chí là Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thông qua các góp ý kiến nghị xây dựng các văn bản, chính sách pháp luật trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên là người lao động theo quy định của pháp luật.
Trương Hưng- Ngọc TúTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.