Tăng cường quản lý, phòng chống buôn bán hàng giả, hàng nhái dịp Tết Nguyên đán 2021

Doanh nghiệp - Doanh nhân
02:46 PM 04/01/2021

Vào thời điểm dịp cuối năm, khi nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao cũng là cơ hội để hàng lậu, hàng giả tung ra thị trường, trà trộn với hàng chất lượng, uy tín.

Hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi

photo-1609741168107

Dịp Tết nguyên đán chính là thời điểm cao điểm hàng giả, hàng nhái trà trộn ra thị trường

Tết Nguyên đán, là thời điểm nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng cao. Lợi dụng dịp này, các đối tượng đã sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ để trà trộn, đưa ra lưu thông trên thị trường; tập trung ở các nhóm sản phẩm, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu của người dân như quần áo, giày dép, thực phẩm chế biến, bánh mứt kẹo; các mặt hàng điện tử, điện lạnh; mặt hàng khẩu trang, cồn rửa tay, thiết bị dụng cụ y tế… để gia công, gắn bao bì, nhãn mác mới vào các sản phẩm trong nước, ngoài nước có uy tín, thương hiệu nổi tiếng như: Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, châu Âu... nhằm lừa dối khách hàng.

Đặc biệt năm nay tình hình dịch COVID-19 khiến cho thị trường gặp nhiều biến động, việc khan hiếm hàng hóa như vật tư y tế phòng, chống dịch khiến nhiều đối tượng vì chạy theo lợi nhuận đã tổ chức, sản xuất, buôn bán, lưu thông hàng hóa kém chất lượng, giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì, tên thương mại, địa chỉ của các doanh nghiệp uy tín, mập mờ về nguồn gốc xuất xứ… gây ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Chị Phạm Thị Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, chị vừa mua phải lô hàng nước giặt của Thái Lan, dầu gội, nước xả vải cho bố mẹ ở quê tại một cửa hàng tạp hóa gần nhà. Nhưng khi dùng mới tá hóa ra là hàng kém chất lượng, khác hẳn so với những sản phẩm mà chị vẫn hay mua ở siêu thị.

"Quả thực là nhãn mác, bao bì quá giống nên khách hàng như chúng tôi không thể phân biệt được", chị Hoa bức xúc.

Theo một chủ cửa hàng tạp hóa trên địa bàn Hà Nội, những hàng hóa giả mạo họ nhìn là có thể phân biệt được. Họ cho rằng những hàng nhái lại các thương hiệu nổi tiếng chỉ "lừa" được người mua chứ những người lấy hàng chuyên nghiệp thì khó để qua mặt. Tuy nhiên, với giá thành rẻ, những mặt hàng này vẫn được lòng người tiêu dùng nên nhiều cửa hàng tạp hóa vẫn chấp nhận lấy hàng giả, hàng nhái trà trộn về bán.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường 

photo-1609741170454

Các đơn vị chức năng tăng cường quản lý, siết chặt hàng hóa dịp Tết. Ảnh minh họa

Theo ông Trần Việt Hùng - Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội, trong thời gian tới, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn tiềm ẩn diễn biến hết sức phức tạp cả về quy mô, tính chất và phạm vi.

Để tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, thời gian tới, lực lượng QLTT sẽ phải tập trung cao độ, "siết" chặt quản lý ngày từ khâu sản xuất. Đồng thời ban hành các kế hoạch triển khai kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm các tháng cuối năm, Tết Dương lịch 2021, trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, bảo đảm hiệu quả mục đích, yêu cầu.

Mới đây, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TP. Hà Nội cũng đã ban hành Kế hoạch số 22/KH-BCĐ389 về cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Theo đó, Ban Chỉ đạo yêu cầu các lực lượng thành viên xác định đối tượng, tuyến, địa bàn trọng điểm; tăng cường kiểm soát các khu vực sân bay quốc tế, ga đường sắt quốc tế, các kho hàng, chợ đầu mối, trung tâm thương mại…; phân công trách nhiệm quản lý địa bàn, lĩnh vực.

Ngoài ra, nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm trong các hoạt động Tết, lễ hội, Cục QLTT TP. Hà Nội giao các Đội QLTT thường xuyên phối hợp với Sở Công Thương, chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, cụ thể tại các chương trình hội chợ, khuyến mại, các chương trình đẩy mạnh ủng hộ "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tổ chức tại địa phương. Tại đây, ngăn chặn các cơ sở, tổ chức, cá nhân kinh doanh, chào bán hàng hóa, sản phẩm là hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa không bảo đảm chất lượng.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng cũng sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về sở hữu trí tuệ; cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng lậu, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm…; tuyên truyền, hướng dẫn người dân, người tiêu dùng có ý thức, nói không với hàng hóa không rõ nguồn gốc; hướng dẫn người dân phân biệt hàng thật - hàng giả, tự bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, tính đến ngày 15/11/2020 đã bắt giữ, xử lý 201.484 vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xử phạt và nộp ngân sách nhà nước 20.065 tỷ đồng; khởi tố 1.766 vụ việc với 2.254 đối tượng.

Trương Hưng
Ý kiến của bạn