Tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa tổ chức Hội thảo “Phát triển nền tảng thương mại điện tử, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng”. Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung làm rõ những khó khăn, thách thức trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT); đồng thời, phân tích và đánh giá về những nỗ lực của ngành thuế trong việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tăng cường quản lý, chống thất thu thuế trong lĩnh vực này.
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khẳng định, trong trong những năm gần đây, TMĐT Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh và dự báo có sự phát triển vững chắc; người dân từ chỗ không quen với mô hình mua sắm trực tuyến thì nay đã quen thuộc và coi đó như một xu hướng tất yếu trong giao dịch thương mại.
TS. Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh rằng, để TMĐT Việt Nam phát triển bền vững, hiệu quả, cần hoàn thiện hạ tầng pháp lý hoàn chỉnh, tạo thuận lợi cho TMĐT. Đặc biệt, cần hạn chế sử dụng tiền mặt trong giao dịch điện tử để kích thích TMĐT phát triển thông qua việc giảm chỉ số tiền mặt trên tổng số phương tiện thanh toán...
Lý giải rõ hơn về TMĐT và sàn giao dịch TMĐT, bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế cho biết: Hoạt động TMĐT là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác.
Còn sàn giao dịch TMĐT là website TMĐT cho phép các thương nhân, tổ chức, cá nhân không phải là chủ sở hữu website có thể tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên đó.
Đến giữa năm 2022, tại Việt Nam có 139 đơn vị chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT (trong đó có 41 sàn TMĐT bán hàng, 98 sàn TMĐT cung cấp dịch vụ) và 03 công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài thay nhà cung cấp nước ngoài trả tiền cho các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch với các nhà cung cấp nước ngoài, tương ứng với số lượng khách hàng trung bình truy cập các sàn khoảng 3,5 triệu lượt khách/ngày.
Các tổ chức, cá nhân có doanh thu hàng năm từ kinh doanh TMĐT, cung cấp các dịch vụ cho Google, Facebook, Youtube lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Các khoản thu này đều được chuyển về Việt Nam cho người thụ hưởng thông qua các ngân hàng thương mại tại Việt Nam nhưng chưa kê khai nộp thuế đầy đủ...
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế nhận định: Hiện nay, sự phát triển nhanh chóng, bùng nổ cùng nhiều hình thức mới của TMĐT đã đặt ra những thách thức mới đối với các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có cơ quan Thuế.
Theo quy định về quản lý thuế hiện hành thì phương thức kê khai, nộp thuế và quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT được chia theo 03 nhóm: Tổ chức trong nước, cá nhân trong nước, nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam.
Cụ thể, đối với tổ chức trong nước hoạt động kinh doanh TMĐT, phải có trách nhiệm tự khai thuế, tự nộp thuế theo quy định của pháp luật. Cơ quan thuế áp dụng quản lý thuế và thực hiện thanh tra, kiểm tra theo cơ chế rủi ro.
Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động kinh doanh TMĐT: Cơ quan thuế tổ chức quản lý các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo địa bàn phường, xã; phối hợp với chính quyền địa phương trong quản lý đối tượng tại địa bàn; phối hợp với Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn để xác định mức thuế khoán hàng năm đối với hộ khoán.
Đối với hộ, cá nhân nộp thuế theo phương pháp kê khai thì có trách nhiệm tự kê khai thuế, tự nộp thuế với cơ quan thuế theo quy định của pháp luật.
Đối với cá nhân kinh doanh bán hàng qua mạng xã hội thường sẽ có địa điểm kinh doanh cụ thể theo địa bàn nên cơ quan thuế sẽ thực hiện quản lý như các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có địa điểm kinh doanh cố định.
Đồng thời, thực hiện thu thập thông tin theo cơ chế thu thập tin và phối hợp với đơn vị chuyên hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin để thí điểm áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc rà soát, tổng hợp, phân tích thông tin dữ liệu lớn trên mạng xã hội và lập danh sách cá nhân có kinh doanh. Trên cơ sở đó đưa vào diện quản lý thuế (nếu chưa đăng ký thuế) hoặc điều chỉnh doanh thu (nếu đã đăng ký thuế nhưng mức nộp thuế chưa sát thực tế).
Đối với cá nhân tại Việt Nam có cung cấp sản phẩm nội dung thông tin số (game, video, app, phần mềm, âm nhạc,…) và nhận được thu nhập từ việc cho đặt quảng cáo trả từ nước ngoài, thì việc quản lý thu thuế như sau:
Trường hợp thu nhập được trả cho cá nhân thông qua công ty đối tác của nhà cung cấp nước ngoài tại Việt Nam thì công ty đối tác tại Việt Nam có trách nhiệm khai thay, nộp thay.
Trường hợp thu nhập được trả trực tiếp cho cá nhân thì cá nhân tự khai, tự nộp. Cơ quan thuế thực hiện thu nhập thông tin từ ngân hàng và các nguồn thông tin khác làm cơ sở yêu cầu người nộp thuế kê khai, nộp thuế theo quy định.
Trong những năm gần đây, Bộ Tài chính, Tổng cục thuế đã quyết liệt chỉ đạo các Cục thuế các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý thuế, thanh tra, kiểm tra theo phương thức quản lý rủi ro, trong đó có các hoạt động kinh doanh TMĐT. Số tiền thuế truy thu, tiền phạt các tổ chức, cá nhân kinh doanh TMĐT lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Riêng trong năm 2021, Cục thuế Hà Nội đã thu được 110 tỷ đồng tiền thuế từ hoạt động TMĐT. Trong đó, 465 cá nhân có thu nhập từ các tổ chức nước ngoài (Google, Facebook, Apple,…) kê khai và nộp 56,1 tỷ đồng tiền thuế. Trong đó, có một cá nhân đã kê khai và nộp 11 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước. Số thuế mà cá nhân này phải nộp được cộng dồn nhiều năm với số tiền chậm nộp phải thực hiện là trên 4 tỷ đồng…
Tính đến hết tháng 6/2022, cơ quan thuế đã thu được từ xử ký vi phạm, chống thất thu từ hoạt động kinh doanh TMĐT cung cấp dịch vụ số khoảng 923 tỷ đồng. Trong đó, số thu tăng qua các năm, đặc biệt tăng nhanh từ năm 2021 với 261 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2022 tăng cao với 358 tỷ đồng, bằng 136% so với số thu năm 2021.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn thuế, trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục hiện đại hóa công tác quản lý thuế, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin để kết nối, lưu trữ thông tin để hỗ trợ, kết nối với người nộp thuế, triển khai ứng dụng thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động cho các cá nhân.
Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý rủi ro đối với TMĐT; áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để xử lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp vượt ngưỡng rủi ro và đề xuất các biện pháp quản lý rủi ro đối với TMĐT. Đặc biệt là xây dựng hệ thống quản lý thuế thông minh, đáp ứng khả năng kết nối dữ liệu với các cơ quan quản lý nhà nước, tích hợp thông tin, xử lý dữ liệu lớn, hoạt động 24/7, hỗ trợ và tạo thuận lợi cho người nộp thuế.
Để quản lý thuế, cũng cần triển khai công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch thường xuyên và theo chuyên đề đối với hoạt động TMĐT, trong đó tập trung đối với nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam và một số chủ sở hữu sàn giao dịch TMĐT.
Đồng thời, phối hợp với Bộ Công an để đề xuất phối hợp thực hiện kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý thuế; kể cả trường hợp phục hồi cơ sở dữ liệu do tổ chức, cá nhân cố tình xóa bỏ…
Nhìn chung, với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của các cơ quan có liên quan, như: Tổng cục Thuế, Ngân hàng nhà nước, Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông,… chắc chắn công tác quản lý thuế nói chung và quản lý thuế TMĐT nói riêng sẽ đạt được nhiều thành công hơn nữa, tương xứng với tiềm năng và xu hướng phát triển của TMĐT trong thời gian tới. Đồng thời, từng bước thực hiện bình đẳng về nghĩa vụ thuế, tạo nên môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh và góp phần tăng thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Năm 2024, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, cả 2 lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa đều tăng trưởng ấn tượng, vận tải hành khách và hàng hóa đều tăng trưởng 2 con số.