Tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu dùng bền vững
Ngày 6/9, Sở Công thương Hà Nội phối hợp với UBND quận Cầu Giấy và Trung tâm thương mại BigC Thăng Long tổ chức Lễ phát động tiêu dùng xanh, bền vững và Chương trình liên kết hợp tác bền vững giữa cơ sở phân phối bán lẻ và các nhà cung ứng về sản phẩm thân thiện môi trường.
Chương trình có quy mô 30 gian hàng, diễn ra từ ngày 06 - 08/9/2024 tại Trung tâm thương mại BigC Thăng Long (số 222 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội).
Mục đích của Chương trình nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm xã hội của cộng đồng, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về sản xuất và tiêu dùng bền vững, tiến tới hình thành thói quen sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường. Bên cạnh đó, thúc đẩy lối sống bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, phát triển kinh tế tuần hoàn trên địa bàn thành phố.
Theo Ban Tổ chức, các hoạt động chính trong khuôn khổ Chương trình, bao gồm: Lễ phát động tiêu dùng xanh, bền vững; Trưng bày giới thiệu các sản phẩm thân thiện môi trường, các sản phẩm được dán nhãn sinh thái của các nhà cung ứng trong và ngoài địa bàn Thành phố; Tổ chức hội thảo liên kết hợp tác bền vững giữa các trung tâm thương mại, siêu thị với các nhà cung ứng về sản phẩm thân thiện môi trường.
Bên cạnh đó, Chương trình cũng bao gồm các cơ hội kết nối kinh doanh; liên kết hợp tác sản xuất, kết nối chuỗi giá trị trong sản xuất, thương mại, tiêu dùng, đảm bảo an sinh xã hội. Chương trình thể hiện nỗ lực cũng như cam kết của thành phố Hà Nội trong việc luôn tích cực, chủ động hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm tự hủy, tái sử dụng và các sản phẩm thân thiện với môi trường, hướng tới phát triển bền vững và tăng trưởng kinh tế Xanh của Thủ đô.
Đồng hành cùng sự kiện này, Sở Công thương Hà Nội còn tổ chức chuỗi sự kiện: "Mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chuỗi ngành Gốm sứ" tại huyện Gia Lâm; "Mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chuỗi ngành chế biến nông sản" tại quận Hà Đông.
"Mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chuỗi sản phẩm làng nghề truyền thống và OCOP" tại quận Nam Từ Liêm. Chuỗi sự kiện sẽ đem đến cái nhìn tổng thể hơn về Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững, đồng thời làm phong phú hơn các sản phẩm du lịch thành phố, phục vụ tốt nhất du khách đến với Thủ đô.
Chương trình Lễ phát động tiêu dùng xanh, bền vững và Chương trình liên kết hợp tác bền vững giữa cơ sở phân phối bán lẻ và các nhà cung ứng về sản phẩm thân thiện môi trường năm 2024, thể hiện sự đồng hành của thành phố Hà Nội cùng người dân Thủ đô thúc đẩy hành động sản xuất và tiêu dùng bền vững nhằm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường.
Chương trình thể hiện nỗ lực cũng như cam kết của thành phố Hà Nội trong việc luôn tích cực, chủ động hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường.
Phát biểu tại Chương trình, đại diện Ban Tổ chức cho biết, sản xuất và tiêu dùng bền vững là từng bước thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên và năng lượng; tăng cường sử dụng các nguyên vật liệu, năng lượng tái tạo, sản phẩm thân thiện môi trường; giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải; duy trì tính bền vững của hệ sinh thái tại tất cả các khâu trong vòng đời sản phẩm từ khai thác, cung ứng nguyên liệu đến sản xuất chế biến, phân phối, tiêu dùng và thải bỏ sản phẩm.
Thực tế, tiêu dùng xanh đã khá phổ biến ở các nước phát triển và có những bước tiến ban đầu ở các nước đang phát triển khi thu nhập cá nhân và ý thức tiêu dùng ngày càng tăng lên. Các chuyên gia môi trường xem tiêu dùng xanh như một biện pháp "giải cứu trái đất" trước những biến đổi xấu của môi trường sống trên toàn cầu. Do đó, xu hướng sản xuất và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.
Với mong muốn kết nối giao thương giữa các cơ sở phân phối bán lẻ với các nhà cung ứng trong và ngoài địa bàn, thành phố luôn quan tâm và tổ chức nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp như: Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững Thành phố Hà Nội năm 2020 cho nhóm ngành Mây tre đan, Chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ tại huyện Chương Mỹ; Kết nối mạng lưới sản xuất tiêu dùng bền vững cho ngành chế biến nông sản thành phố Hà Nội năm 2020 tại huyện Quốc Oai.
Kết nối mạng lưới sản xuất tiêu dùng bền vững cho ngành gốm sứ thành phố Hà Nội năm 2020 tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm; Kết nối mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững Làng nghề truyền thống thành phố Hà Nội năm 2021 tại huyện Thường Tín; Kết nối Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững sản phẩm thời trang thành phố Hà Nội năm 2021; Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững cho nhóm ngành Đồ gỗ mỹ nghệ - Nội thất năm 2022 tại quận Nam Từ Liêm; Mạng lưới sản xuất và tiêu dùng bền vững sản phẩm làng nghề truyền thống thành phố Hà Nội năm 2022 tại huyện Thanh Trì.
Mạng lưới liên kết hợp tác bền vững giữa cơ sở phân phối bán lẻ với các nhà cung ứng về sản phẩm thân thiện môi trường năm 2023 tại quận Hoàng Mai; Mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chuỗi ngành điện tử, đồ gia dụng năm 2023 tại quận Long Biên; Mạng lưới liên kết hợp tác sản xuất và tiêu dùng bền vững trong chuỗi ngành dệt may - thời trang năm 2023 tại quận Hà Đông,...
Những chương trình, hoạt động này đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong cộng đồng về hành động sản xuất và tiêu dùng bền vững và gắn kết các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường, từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Một số tổ chức, cá nhân đã có những hành động thiết thực trong việc sử dụng có hiệu quả tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường như: từng bước xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất bền vững, thiết kế sản phẩm bền vững, xây dựng chuỗi giá trị xanh trong quy trình sản xuất của mình từ khâu nguyên liệu đầu vào đến áp dụng công nghệ, sản phẩm và các dịch vụ bán hàng góp phần tăng hiệu quả của nền kinh tế, thúc đẩy phát triển theo hướng bền vững.
Ban Tổ chức khẳng định, tiêu dùng xanh là một trong những nội dung quan trọng trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Vì vậy, tiêu dùng xanh ngày càng được quan tâm nhiều hơn, cùng với các hoạt động liên quan đến quá trình sản xuất và tiêu dùng bền vững đối với môi trường.
Thông qua sự kiện này, Sở Công thương Hà Nội mong muốn và kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, phân phối và người tiêu dùng đẩy mạnh áp dụng các giải pháp, phương thức, đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, liên kết bền vững để sử dụng có hiệu quả tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa.
Nguyễn HạnhTheo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.