Tăng cường ứng dụng công nghệ tiếp cận thị trường cho HTX

Thị trường
03:30 PM 21/10/2020

Trong khuôn khổ Hội chợ Coop-Expo 2020 do Liên minh HTX Việt Nam chủ trì tiến hành trong 5 ngày (từ 16 đến 20/10/2020) tại Tp. Cần Thơ), Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường (Liên minh HTX Việt Nam) tổ chức Triển lãm kết nối cung cầu công nghệ và Hội nghị “Giải pháp thúc đẩy ứng dụng đổi mới công nghệ cho các HTX”, thu hút hàng trăm khách mời đại diện cho các HTX và DN cung cấp thiết bị công nghệ.


Tăng cường ứng dụng công nghệ tiếp cận thị trường cho HTX - Ảnh 1.

Liên minh HTX Việt Nam khai mạc hội chợ COOP EXPO – 2020 tại TP.Cần Thơ.

Với quy mô 30 gian hàng trưng bày trình diễn, hội nghị này là sự kiện lớn trong năm nhằm hỗ trợ các HTX kết nối cung cầu trên nhiều lĩnh vực hoạt động, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiếp cận thị trường. Trong đó, một số trang thương mại điện tử (TMĐT) như hoptacxa.vn, pga-partner.vn, cungcaucongnghe.vn cũng được cung cấp để đa dạng hóa các dịch vụ TMĐT, cung ứng cho khu vực kinh tế tập thể, HTX.

Các HTX còn xa lạ với TMĐT

Hiện trên cả nước có hơn 27 nghìn HTX, trong đó có hơn 17,5 nghìn HTX nông nghiệp, gần 10 nghìn HTX phi nông nghiệp (trong đó có hơn 1 nghìn Quỹ tín dụng nhân dân).

Theo Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường (Liên minh HTX Việt Nam), hiện có tới 100% các HTX vận tải, HTX chợ, HTX tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ có trang bị thiết bị máy tính và sử dụng các phần mềm quản lý như kế toán, thư điện tử, lưu trữ dữ liệu... Tuy nhiên, mới chỉ có khoảng 15% số HTX có website giới thiệu quảng bá sản phẩm, dịch vụ. Việc sử dụng các ứng dụng TMĐT phục vụ hoạt động mua bán sản phẩm rất hạn chế, chỉ chiếm khoảng 30% trong số các HTX loại hình này.

Tăng cường ứng dụng công nghệ tiếp cận thị trường cho HTX - Ảnh 2.

Gian hàng Triển lãm kết nối cung cầu HTX.

Đối với nhóm HTX nông nghiệp cũng vậy, có khoảng 80% đã trang bị hệ thống máy tính nhưng chủ yếu để quản lý công tác kế toán và lưu trữ dữ liệu, hầu hết các HTX chưa có website để giới thiệu quảng bá sản phẩm.

Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng trên, theo Trung tâm, do trình độ nhân sự quản lý HTX còn hạn chế, chưa có nhân sự chuyên sâu về xúc tiến các hoạt động TMĐT, nguồn lực về cơ sở hạ tầng, thiết bị máy móc chưa đảm bảo. Phần lớn các HTX chưa đầu tư đúng mức cho hoạt động nghiên cứu tìm hiểu thị hiếu khách hàng để bán hàng trực tiếp, không phải qua các nhà phân phối trung gian. Ngoài ra, chất lượng thì mẫu mã sản phẩm nghèo nàn vẫn là điểm yếu của khu vực HTX.

Cần hỗ trợ đồng bộ ứng dụng TMĐT

Theo báo cáo của Hiệp hội TMĐT Việt Nam, những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của TMĐT đạt khoảng 30-35% mỗi năm. Các DNNVV chi hơn 30% ngân sách cho công nghệ có mức tăng doanh thu gấp 9 lần so với DN chi dưới 10%. Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2019 có trên 44 triệu người Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ (B2C) đạt 10,08 tỷ USD, chiếm 4,9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước.

Năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát đã làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân Việt Nam. Để hạn chế tiếp xúc, phòng tránh dịch bệnh, người tiêu dùng mua sắm trực tuyến trên các trang TMĐT, fanpage, Facebook thông qua máy tính, điện thoại thông minh đã tăng lên nhanh chóng.

Dự báo tới đây TMĐT tiếp tục là xu thế chủ đạo trên thế giới, chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ toàn cầu. Mặc dù nền tảng TMĐT ở Việt Nam hiện nay còn rất thấp nhưng tiềm năng phát triển TMĐT là rất lớn. Năm 2017, Việt Nam có 53,86 triệu người sử dụng internet, và sẽ tăng lên 59,48 triệu người vào năm 2022. Năm 2020, đã có khoảng 30% dân số tham gia mua sắm online, đạt 350 USD/người.

Công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt sẽ dần thay thế các hình thức thanh toán truyền thống, 30% doanh thu bán lẻ toàn cầu được dự đoán sẽ thực hiện thanh toán qua ứng dụng hoặc phần mềm trên máy tính, điện thoại. Theo đó, TMĐT là một trong những giải pháp hiệu quả, bền vững để các DN và HTX nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tham gia sâu vào các hoạt động kinh tế trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực xây dựng nền kinh tế số, chuyển đổi và hòa nhập vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của thế giới.

Tăng cường ứng dụng công nghệ tiếp cận thị trường cho HTX - Ảnh 3.

DN trưng bày dịch vụ ứng dụng công nghệ cho HTX.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, cho biết: Khu vực kinh tế hợp tác, HTX ngày càng phát huy vai trò cầu nối giữa thành viên với các DN, tăng cường hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật. Tuy nhiên, phần lớn HTX có qui mô nhỏ, công nghệ, máy móc, thiết bị lạc hậu.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, trong những năm qua, Liên minh HTX Việt Nam đã phối hợp với các Bộ, ngành TW và địa phương huy động nguồn lực từ các chương trình MTQG, chương trình khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế HTX, trong đó có ứng dụng đổi mới khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại và kết nối hợp tác giữa DN và HTX để nâng cao năng lực sản xuất và gia tăng chất lượng, giá trị sản phẩm, xây dựng các mô hình HTX quy mô lớn phát triển bền vững theo với chuỗi giá trị sản phẩm…

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, hoạt động hỗ trợ về TMĐT trong khu vực kinh tế hợp tác, HTX cần được chú trọng hơn nữa để tương xứng với tiềm năng nhằm mở rộng phạm vi giao thương hàng hóa giữa các vùng miền, tăng hiệu quả kinh tế cho HTX và thành viên. Và để hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể, HTX tiếp cận và đẩy mạnh xúc tiến thương mại trên các công cụ TMĐT, cần có giải pháp đồng bộ từ chính sách hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật đến đào tạo nâng cao trình độ và kỹ năng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động TMĐT…

Lưu Đoàn - Thu Hà
Ý kiến của bạn