Tăng cường vai trò của phụ nữ các nước ASEAN trong phát triển KT-XH

Sự kiện
11:12 AM 09/09/2020

Trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPA 41, chiều 8/9 đã diễn ra Hội nghị Nữ Nghị sĩ AIPA (WAIPA) với chủ đề: “Tăng cường vai trò của nữ nghị sỹ trong việc đảm bảo việc làm và thu nhập cho lao động nữ”.

Tham dự hội nghị có, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam tại AIPA 41, dự và phát biểu tại Hội nghị.

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Phó Chủ tịch thường trực Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thúy Anh chủ trì Hội nghị.

Đại diện Nghị viện các nước thành viên tại AIPA 41, Ban Thư ký AIPA… tại các điểm cầu.

Phát biểu chào mừng tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Chủ tịch Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam cho biết, thúc đẩy việc làm bền vững, tạo thu nhập tốt hơn cho phụ nữ và nam giới trong môi trường tự do, bình đẳng, an toàn và tôn trọng nhân phẩm là một trong những thước đo sự tiến bộ xã hội của Quốc gia, được ghi nhận trong nhiều văn kiện của thế giới và khu vực.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam tại AIPA 41, phát biểu tại Hội nghị nữ nghị sĩ AIPA. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam tại AIPA 41, phát biểu tại Hội nghị nữ nghị sĩ AIPA. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Mặc dù đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong 20 năm qua, nhưng theo báo cáo của ILO, cho thấy vẫn còn tồn tại sự bất bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới trong việc tiếp cận thị trường lao động, tình trạng thất nghiệp và điều kiện làm việc. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 đã gây tác động nghiêm trọng đến đối tượng lao động nữ.

Hiện nay, có khoảng 510 triệu (bằng 40%) số lao động nữ toàn cầu đang phải làm việc trong 4 lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất nhưng chỉ có 36,6% lao động nam đang làm trong các lĩnh vực nêu trên. Vì vậy, việc xóa bỏ khoảng cách giới trong việc làm cần được ưu tiên hàng đầu nếu chúng ta muốn đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ, trẻ em gái vào năm 2030.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho biết, với những nỗ lực không ngừng trong việc cải thiện chính sách, tạo môi trường bình đẳng cho phụ nữ, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới, xóa bỏ khoảng cách giới, đặc biệt là ở lĩnh vực lao động, việc làm. Thời gian qua, Quốc hội Việt Nam đã tiến hành sửa đổi Bộ luật Lao động, một số luật liên quan đến vấn đề lao động-việc làm đối với lao động nữ nhằm đảm bảo những quyền lợi cơ bản của người lao động và nâng cao năng lực thực thi chính sách về việc làm, thu nhập đối với lao động nữ. Trong những năm tới, Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và tăng cường giám sát để đảm bảo bình đẳng giới thực chất và "không ai bị bỏ lại phía sau".

Tại Hội nghị trực tuyến, các đại biểu đã nghe các báo cáo và ý kiến phát biểu của các Nghị sĩ nữ của các Nghị viện thành viên AIPA, tập trung về một số vấn đề như: Thực trạng vấn đề việc làm và thu nhập của lao động nữ của quốc gia, kinh nghiệm của các quốc gia, các nghị viện thành viên trong việc thúc đẩy bình đẳng giới trong việc tiếp cận việc làm và thu nhập; tác động của đại dịch COVID-19 đối với vấn đề việc làm và thu nhập lao động nữ, các giải pháp ứng phó của quốc gia; kinh nghiệm thực hiện thực hiện chức năng đại diện của nữ nghị sĩ trong vấn đề việc làm và thu nhập của lao động nữ; việc thực hiện các cam kết trog các nghị quyết của Liên Hợp Quốc, nghị quyết chuyên đề của ASEAN, AIPA, WAIPA liên quan đến lĩnh vực này, vai trò của nghị viện và các nữ nghị sĩ, các thách thức, khó khăn; đề xuất cơ chế hợp tác liên nghị viện ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng để thúc đẩy việc làm và thu nhập của lao động nữ trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và các vấn đề khác liên quan đến chủ đề của Hội nghị WAIPA.

Sau thảo luận, Hội nghị đã thông qua Nghị quyết về "Thúc đẩy vai trò của Nữ nghị sĩ trong việc bảo đảm việc làm và thu nhập của lao động nữ".

Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội, Phó Chủ tịch thường trực Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thúy Anh cho biết, Hội nghị đã nghe các ý kiến chia sẻ quan điểm của các nghị sĩ nữ của các Nghị viện thành viên và đã thống nhất với nhiều nội dung của Nghị quyết WAIPA 41. Với sự đồng thuận và thống nhất cao, bà Nguyễn Thúy Anh tin tưởng rằng Nghị quyết sẽ được thực thi trong thực tế nhằm đem lại bình đẳng giới trong lĩnh vực việc làm và thu nhập, tăng cường quyền năng về kinh tế và từ đó nâng cao vị thế và vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế và xã hội của các nước thành viên ASEAN.

Nhóm nữ ĐBQH Việt Nam cam kết sẽ chung tay cùng tất cả các nữ nghị sỹ nói riêng và các Nghị sĩ nói chung thúc đẩy hơn nữa các hoạt động nhằm xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, để phụ nữ và trẻ em gái "không bị bỏ lại phía sau" và được thụ hưởng tất cả các thành quả của sự phát triển kinh tế của các quốc gia. Trước thách thức của COVID-19 với sự nỗ lực của Chính phủ, các nghị viện thành viên AIPA, có sự góp sức xứng đáng của các nữ nghị sĩ AIPA, tất cả các nước thành viên AIPA sẽ vượt qua được đại dịch này, đồng thời phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm việc làm và thu nhập cho lao động nữ trong điều kiện "bình thường mới".

DB
Ý kiến của bạn
12 đối tượng được miễn thu tiền qua phà từ 1/1/2025 12 đối tượng được miễn thu tiền qua phà từ 1/1/2025

Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.