Tăng liên kết giữa HTX và doanh nghiệp để ổn định thị trường
Vấn đề liên kết thành chuỗi giá trị giữa các đơn vị sản xuất trong nước vẫn còn nhiều “nút thắt” cần được tháo gỡ. Trong đó, giải được “bài toán” về liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã (HTX) sẽ giúp nâng cao hiệu quả cũng như đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế tập thể.
Theo thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, mới có khoảng 4.000 HTX nông nghiệp liên kết với khoảng gần 1.900 doanh nghiệp trong sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Mặc dù con số này đã tăng khoảng 1,5 lần so với năm 2019, nhưng còn chiếm tỷ lệ thấp, đạt khoảng 23% tổng số các HTX nông nghiệp hiện nay. Đặc biệt, lượng hàng hóa của các HTX bán cho doanh nghiệp qua hợp đồng chỉ chiếm trung bình khoảng 20-25% tổng lượng hàng hóa trên thị trường.
Còn 60-70% nông sản của HTX, người dân làm ra vẫn chủ yếu tiêu thụ ra kênh truyền thống là các chợ nhỏ, chợ cóc, chợ đầu mối.
Vấn đề này dẫn đến thực tế, sau bão lũ đặc biệt sau bão số 3 vừa qua, giá thực phẩm tại các kênh truyền thống thường tăng cao, chất lượng sản phẩm không có chất lượng đảm bảo trong khi tại các chuỗi cửa hàng nông sản sạch, siêu thị, giá rau củ quả vẫn được giữ ổn định.
Nghịch lý trên do các HTX đã ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với các đơn vị phân phối từ trước nên các siêu thị, cửa hàng rau sạch sẽ có kế hoạch phối hợp với HTX để chủ động nguồn rau củ cung ứng ra thị trường.
Bên cạnh đó, vì hợp đồng liên kết đã ký kết từ trước nên giá thu mua nông sản từ HTX vẫn ổn định, giúp rau xanh, thực phẩm trong siêu thị giữ được giá bình ổn.
Chính vì vậy, trong thời điểm này, nhiều người tiêu dùng thông minh thay vì mua rau củ tại chợ truyền thống đã đến các siêu thị, cửa hàng nông sản sản để được mua thực phẩm với giá phù hợp, lại được bảo đảm về chất lượng.
Nhìn từ thực tế này có thể thấy, nếu thực hiện liên kết bằng hợp đồng giữa HTX và doanh nghiệp sẽ giải quyết được tình trạng găm hàng, tăng giá bất hợp lý sau bão lũ.
Tuy nhiên, vấn đề liên kết giữa HTX và doanh nghiệp vẫn còn nhiều “nút thắt” cần được tháo gỡ. Một trong những vấn đề hiện nay đó là HTX cho rằng nội dung hợp đồng liên kết thường có những yêu cầu khó khăn cho nông dân, nhưng lại giảm nhẹ những yêu cầu đối với doanh nghiệp.
Chẳng hạn như hợp đồng yêu cầu HTX phải bán hết nông sản cho doanh nghiệp, nhưng lại không ràng buộc doanh nghiệp phải mua hết nông sản cho nông dân, thành viên HTX. Hay như giá bán nông sản là vấn đề quan trọng nhất đối với HTX khi tham gia hợp đồng liên kết nhưng chất lượng và số lượng nông sản lại là yếu tố doanh nghiệp quan tâm nhất.
Điều này thường dẫn đến sự tranh chấp, từ đó khiến thực tế có ít hợp đồng hoặc có hợp đồng liên kết giữa HTX và doanh nghiệp nhưng chưa mang lại hiệu quả bền vững.
Thời gian qua, nhằm khuyến khích HTX tham gia hợp đồng liên kết, Chính phủ có nhiều chính sách hấp dẫn như về ưu đãi tín dụng, HTX được vay tín dụng ưu đãi để sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết tối đa bằng 70% giá trị của dự án theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Ngoài ra, HTX còn được giảm lãi suất cho vay với mức tối thiểu 0,2%/năm khi tham gia mua bảo hiểm cho đối tượng sản xuất nông nghiệp hình thành từ nguồn vốn vay quy định. Cùng với đó, Chính phủ có thêm các chính sách ưu đãi về giao, cho thuê đất, ưu đãi thuế; hỗ trợ bồi dưỡng, đào tạo; hỗ trợ xúc tiến thương mại và ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; đầu tư kết cấu hạ tầng…
Các chuyên gia nhận định, các doanh nghiệp và HTX cần tận dụng những ưu đãi từ cơ quan quản lý và cơ hội từ thị trường để thúc đẩy liên kết, hình thành chuỗi giá trị. Ông Huỳnh Văn Thòn cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, bà con nông dân và HTX cần liên kết với nhau thật tốt để tổ chức nguồn nguyên liệu, sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Nhưng điều này cũng cần sự tham gia đầu tư sâu của doanh nghiệp với các HTX về thị trường, đầu tư cơ sở vật chất, cam kết chất lượng sản phẩm theo quy trình canh tác và yêu cầu của đơn đặt hàng.
Minh An (t/h)Kinh tế Hà Nội diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới biến động phức tạp; ở trong nước, các tỉnh thành phố phía Bắc chịu thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3, Hà Nội đạt được kết quả GRDP 6,12% trong 9 tháng rất quan trọng và đáng ghi nhận.