Tăng sức mua của thị trường nội địa, tạo "bệ đỡ" cho tăng trưởng
Theo chuyên gia, thúc đẩy tiêu dùng, 1 trong 3 động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, là nhiệm vụ quan trọng lúc này. Nhiều giải pháp được đề xuất để tăng sức mua cho thị trường nội địa, tạo "bệ đỡ" cho tăng trưởng cả năm.
Theo kịch bản được đặt ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP về thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, GDP quý I phải tăng ít nhất 5,6%, quý II tăng 6,7% và 6 tháng đầu năm là 6,2%.
Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam phụ thuộc vào 3 động lực là đầu tư công, xuất khẩu và tiêu dùng.
Trong đó, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn giữ được đà tăng và là động lực chính cho GDP cả nước. Theo Tổng cục Thống kê, hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong tháng 2/2023 đã cho thấy những tín hiệu khởi sắc khi bắt đầu lấy lại đà tăng trưởng. Trong tháng 2, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 49,46 tỷ USD, tăng 6,1% so với tháng trước và tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước.
Về đầu tư công, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo rất sát sao. Chỉ còn sức mua trong nước dù đã khôi phục nhưng vẫn còn yếu, chưa kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng, hoạt động mua hàng trở lại giảm.
Do đó, ngay từ thời điểm đầu năm, Chính phủ đã có những quyết sách kịp thời như giảm thuế, phí để hỗ trợ nền kinh tế. Báo cáo tình hình kinh tế 2 tháng đầu năm vừa được công bố đã tiếp tục cho thấy sức phục hồi ổn định từ khu vực bán lẻ, dịch vụ, khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, các cấu phần liên quan đến tiêu dùng du lịch có mức tăng mạnh từ 30% đến hơn 120%.
Hay như mảng thương mại điện tử lần đầu ghi nhận đạt gần 4% tổng doanh thu, tương ứng hơn 1.200 tỷ đồng. Tiếp tục mở rộng kênh trực tuyến là cách doanh nghiệp ứng phó với rủi ro sức mua sụt giảm hiện nay.
Trao đổi với VTV, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, thương mại điện tử không phải là công cụ để tăng tổng cầu lên, nhưng lại là công cụ để phục vụ tốt hơn cho người tiêu dùng, đảm bảo đáp ứng khi người tiêu dùng dịch chuyển từ kênh truyền thống.
PGS. TS. Phạm Thế Anh (Trường đại học Kinh tế quốc dân) dự báo trên báo chí, thu nhập của người dân năm nay sẽ tiếp tục tăng nhờ tăng lương tối thiểu vùng của khu vực doanh nghiệp và tăng lương cơ sở của khu vực nhà nước. Tuy nhiên khối lượng tiền đổ vào lưu thông nhờ tăng lương chỉ có hạn, nên muốn tăng được thị trường nội địa thì chỉ bằng giải pháp tiền tệ, cụ thể là lãi suất.
Hiện tại, lãi suất cho vay của một số ngân hàng thương mại đã bắt đầu giảm, nhưng chưa nhiều, chưa đủ hấp dẫn để doanh nghiệp vay vốn đầu tư, mở rộng sản xuất - kinh doanh và lãi suất gửi tiết kiệm vẫn còn rất hấp dẫn để người dân sẵn sàng gửi tiền vào ngân hàng để hưởng lãi, thay vì đưa tiền ra kinh doanh hoặc tiêu dùng.
Nếu Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất, tạo động lực để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cả huy động và cho vay, thì tiêu dùng nội địa sẽ tăng, qua đó kích thích sản xuất, kinh doanh. Với thị trường gần 100 triệu dân, sức mua rất lớn, cần phát triển thị trường nội địa, thay vì chủ yếu tập trung vào xuất khẩu.
Sức mua của thị trường nội địa vẫn có dư địa tăng trưởng, các trung tâm kinh tế lớn của các đô thị lớn của Việt Nam sẽ có vai trò rất quan trọng để thúc đẩy GDP của cả nước, vì vậy cần đảm bảo thị trường thông thoáng, môi trường kinh doanh ổn định, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
An Mai (t/h)Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, đến 15/11, xuất khẩu gạo Việt Nam đã đạt 8,05 triệu tấn với trị giá 5,05 tỷ USD.