Tăng tính đồng bộ trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 67/NQ-CP phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Công tác tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại nhiều địa phương đã bộc lộ bất cập,
ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thị trường bất động sản
Nghị quyết nêu rõ, mục tiêu quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia về phân bổ và khoanh vùng đất đai cho các ngành, lĩnh vực và các địa phương; sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả...
Chất lượng quy hoạch còn hạn chế
Nội dung Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 cần điều tra, thu thập, đánh giá tổng hợp các thông tin, tài liệu, hiện trạng sử dụng đất; phân tích đánh giá về các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh trực tiếp tác động và thực trạng sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực; dự báo xu thế biến động của việc sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030; xác định các quan điểm và mục tiêu sử dụng đất trong thời kỳ quy hoạch 2021 - 2030.
Xác định và khoanh định diện tích các chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia đến năm 2030: Đất trồng lúa (trong đó có đất chuyên trồng lúa nước cần bảo vệ nghiêm ngặt); đất rừng phòng hộ; đất rừng đặc dụng; đất rừng sản xuất (trong đó có đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên); đất khu công nghiệp; đất khu kinh tế; đất khu công nghệ cao; đất đô thị; đất quốc phòng; đất an ninh...
Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm phê duyệt dự toán chi tiết và lựa chọn đơn vị lập Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định hiện hành.
Thực tế, sau nhiều năm triển khai, công tác tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại nhiều địa phương đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thị trường bất động sản.
Ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, những bất cập thể hiện ở hàng loạt các dự án khu công nghiệp, khu chế xuất, không được lấp đầy, hàng loạt dự án đô thị cụm đô thị treo chậm triển khai trong thời gian rất dài mà ở địa phương nào cũng có. Hàng vạn ha đất dự án “treo” cả chục năm nay, không ít dự án lại rơi vào cảnh xây dựng dở dang, bỏ ngỏ gây lãng phí tài nguyên cũng như ngân sách.
Theo ông Hùng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do dự án quy hoạch không phù hợp với thực tiễn, phải liên tục điều chỉnh, thời gian chờ đợi lâu dẫn đến thu hồi. Không những thế, tại nhiều địa phương xảy ra tình trạng cấp phép cho các chủ đầu tư một cách ồ ạt dù không đúng quy hoạch, không đúng thời điểm, không loại trừ lợi ích nhóm. Dẫn đến tình trạng hạ tầng cơ sở không đáp ứng được, nguồn cung lớn nhưng thị trường không đủ hấp dẫn khiến dự án đình trệ, chây ì suốt nhiều năm.
“Đơn cử như các dự án xung quanh khu vực Đại lộ Thăng Long (Hà Nội), KĐT Từ Sơn (Bắc Ninh), KĐT Đồng Nai, các dự án khu Điện Bàn (Quảng Nam)…” - ông Hùng lấy ví dụ.
Bên cạnh đó, vấn đề quy hoạch đô thị cũng bị băm nát nhiều năm nay, theo thống kê, hiện cả nước có 1.390 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1 đến 6 lần, có dự án tới 9 lần. Trong đó, phần lớn là cơi nới tầng, chia nhỏ diện tích căn hộ, giảm diện tích cây xanh hoặc bổ sung chức năng nhà ở vào các lô đất thương mại... làm tăng mật độ dân số, gây hệ luỵ về hạ tầng kỹ thuật, xã hội.
Đảm bảo tính thống nhất đồng bộ
Theo ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, tỷ trọng công trình cao tầng khu vực nội đô TP Hà Nội đã lên tới 80%, trong khi đó liên kết hạ tầng giữa các dự án và hạ tầng đô thị lỏng lẻo, dẫn đến chất tải hạ tầng trầm trọng, địa phương không còn đủ quỹ đất cho giao thông khiến vấn đề ách tắc ngày càng nghiêm trọng, điệp khúc hễ mưa là lụt cũng chưa thể giải quyết được.
Đơn cử như việc chất tải hàng “dày đặc” các chung cư cao tầng trên một diện tích nhỏ như KĐT Linh Đàm hay các tuyến đường huyết mạch của Hà Nội như Lê Văn Lương, Lê Trọng Tấn, Tố Hữu… hay thậm chí các tuyến phố chỉ dài 1km như đường Nguyễn Tuân nhưng cũng phải gồng gánh hàng chục chung cư, hạ tầng cơ sở tại đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trở thành nỗi ám ảnh của người dân mỗi giờ cao điểm.
Đánh giá về công tác quy hoạch, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc tồn tại song song nhiều quy hoạch có giá trị pháp lý như nhau tại một số địa phương cũng đã gây khó khăn cho công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất tại các quận, huyện. Quy định về tách thửa đất cũng tồn tại nhiều vướng mắc, chồng chéo khiến tình trạng dân không tách thửa được, trong khi “cò” lách dễ, tình trạng đẩy giá gây sốt đất ảo diễn ra nghiêm trọng, khó kiểm soát tại TP.HCM, Phú Quốc và một số địa phương khác.
Theo kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, để ngăn chặn tình trạng quy hoạch bị băm nát, cần phải rà soát lại toàn bộ tiêu chuẩn, quy phạm và nó phải phù hợp với sự phát triển của xã hội. Rà soát lại toàn bộ quy hoạch phân khu của từng khu vực phù hợp với quy hoạch chung đã được phê duyệt hay chưa.
“Phải xem xét lại toàn bộ quy hoạch chi tiết thiết kế của từng công trình hạ tầng, giao thông, khu vực xem có phù hợp với quy hoạch tổng thể hay không, phải gắn kết quy hoạch phân khu tuân thủ quy hoạch chung” – KTS Trần Ngọc Chính nhận định.
Theo Enternews
Sáng 14/9, các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã bắt đầu chiến dịch tổng vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả bão số 3.