Tăng tính minh bạch cho thị trường bất động sản
Mới đây, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) bày tỏ quan điểm với Bộ Xây dựng về việc cần thiết áp dụng trở lại quy định giao dịch BĐS phải qua sàn nhằm đảm bảo tính minh bạch cho thị trường.
Quy định giao dịch bất động sản phải qua sàn nhằm tăng tính minh bạch cho thị trường.
Trao đổi với DĐDN, ông T – Một doanh nghiệp phát triển dự án lớn tại Hoà Bình cho biết, các sàn giao dịch bất động sản chỉ nên dừng lại là một đơn vị kinh doanh và “không nên quàng thêm vấn đề pháp lý, sẽ chẳng có tác dụng gì cả bởi trong thực tế thì hiện nay việc giao dịch qua Sàn đôi khi chỉ mang tính thủ tục vì việc thành lập Sàn quá dễ”.
Lý giải cho quan điểm của mình, theo ông T. hiện nay hoạt động môi giới tại thị trường BĐS Việt Nam còn chưa thật chuyên nghiệp, do đó không nên áp dụng thêm một thủ tục rườm rà, dễ lách luật như việc bắt buộc mua bán, cho thuê BĐS phải qua sàn giao dịch. Việc này sẽ làm tăng chi phí thủ tục, tăng chi phí qua sàn dẫn đến tăng giá bán BĐS vốn mặt bằng đã khá cao hiện nay và nếu như vậy thì cuối cùng lại là người mua thiệt thòi.
Ông Lê Ngọc Quỳnh - Giám đốc Công ty Đầu tư hợp tác Thịnh Vượng cho rằng việc bỏ quy định cá nhân, tổ chức kinh doanh BĐS bắt buộc mua, bán, thuê BĐS phải thông qua sàn không đồng nghĩa với việc "làm khó" các sàn mà nó còn là động lực để các sàn hướng tới việc chuyên nghiệp hơn. Trong một thị trường cạnh tranh, việc Sàn bán hàng cho Chủ đầu tư là giao kết kinh tế dân sự bình thường, nếu sàn nào bán tốt, chuyên nghiệp, an toàn, phí cạnh tranh thì tự nhiên cả CĐT và khách hàng sẽ chọn sàn làm nơi giao dịch.
Ông Quỳnh cũng thừa nhận, việc giao dịch BĐS qua sàn rõ ràng là có nhiều lợi ích tuy nhiên hiện nay điều kiện để lập ra một sàn giao dịch BĐS quá dễ, dẫn đến không ít sàn không đủ cả về chất và lượng, làm ăn chộp giật.
Theo đó, ông Quỳnh cho rằng để hoạt động môi giới trở nên chuyên nghiệp thì về mặt pháp lý cần phải sớm có bộ quy chuẩn và điều kiện hoạt động của Sàn cũng như cần quy định cụ thể về việc ứng dụng công nghệ trong bán hàng BĐS và cần có cơ chế giám sát của các cơ quan nhà như đối với hình thức quản lý của sàn chứng khoán chẳng hạn. Khi các sàn đạt được sự chuyên nghiệp, quy chuẩn, minh bạch thì khách hàng mặc nhiên cả chủ đầu tư và khách hàng đều sẽ chọn sàn làm nơi giao dịch.
Về phía đơn vị đề xuất, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch VARS cho biết VARS đã có đề xuất gửi Chính phủ, Bộ Xây dựng ban hành lại quy định giao dịch các sản phẩm BĐS phải qua sàn giao dịch như trước kia, sau vụ việc Alibaba giao dịch không qua sàn nên khách hàng không có cơ sở thẩm định, kiểm tra thông tin về dự án.
“Các sản phẩm đã đưa vào sàn bán thì chất lượng phải tốt, được kiểm chứng, bảo đảm lợi ích cho khách hàng để tránh dẫn đến tình trạng như Alibaba. Những đơn vị bán hàng không qua sàn đều không được chấp nhận, vì như vậy là trái quy định”, ông Đính nói.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng hiện đang rất ủng hộ đề xuất này. Tất nhiên, ông Đính khẳng định mục đích của đề xuất không nhằm tạo sự độc quyền trong bán hàng của môi giới, mà chỉ nhằm tăng tính minh bạch cho thị trường.
Lê SángTheo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.