Tăng trưởng, chuyển đổi cơ cấu và thay đổi nông thôn ở tỉnh Yên Bái

Địa phương
03:04 PM 26/08/2020

Nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Yên Bái đã tích cực tuyên truyền, phổ biến chủ trương, các đề án, chính sách hỗ trợ đến mọi tầng lớp nhân dân, để cùng hưởng ứng tham gia thực hiện.

Nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Yên Bái đã tích cực tuyên truyền, phổ biến chủ trương, các đề án, chính sách hỗ trợ đến mọi tầng lớp nhân dân, để cùng hưởng ứng tham gia thực hiện. Vì vậy, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn đã và đang đạt được những kết quả tích cực, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Cách đây 75 năm, ngày 14/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Quyết định thành lập Bộ Canh nông. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, các đoàn thể, các địa phương trong tỉnh; sự ủng hộ, hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái không ngừng lớn mạnh và ngày một phát triển.

Tăng trưởng, chuyển đổi cơ cấu và thay đổi nông thôn ở tỉnh Yên Bái - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh (thứ hai bên phải) và đồng chí Đỗ Đức Duy - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Yên Bái.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh đạt được những kết quả khả quan; các chỉ tiêu chủ yếu của ngành đều đạt và vượt mức kế hoạch đề ra; cơ cấu kinh tế nội ngành nông nghiệp được điều chỉnh và dần chuyển dịch đúng hướng, đó là tăng dần tỷ trọng ngành chăn nuôi và thủy sản nhằm nâng cao giá trị sản xuất. Sản xuất hàng hóa từng bước đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Tỉnh Yên Bái đã có các chủ trương, chính sách phát triển toàn diện ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng chuyển dịch phát triển sản phẩm nông nghiệp đảm bảo về chất lượng, theo nhu cầu thị trường, hài hòa hai mục đích là phát triển kinh tế tăng thu nhập bền vững cho nông dân và đảm bảo môi trường sinh thái.

Quan trọng hơn cả là nhận thức của các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc toàn tỉnh về tầm quan trọng của quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đã có sự chuyển biến rõ nét.

Qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh đã đạt được bước tăng trưởng khá, tiếp tục khẳng định vai trò là nền tảng, trụ đỡ, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

 Tốc độ tăng tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp, thuỷ sản năm 2020 ước đạt 6%, đạt 120% so với mục tiêu; cơ cấu tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2020 ước đạt 22% trong cơ cấu GRDP của tỉnh, vượt 0,7% so với mục tiêu; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản (theo giá so sánh 2010) năm 2020 ước đạt 7.746 tỷ đồng, đạt 101,1% so với mục tiêu đề ra; an ninh lương thực được giữ vững, gia tăng mạnh mẽ về quy mô, diện tích, sản lượng các cây trồng, vật nuôi chủ lực, qua đó hình thành được một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Vùng lúa hàng hóa trên 2.500 ha, vùng cây ăn quả có múi trên 5.000 ha, vùng quế 78.000 ha, vùng măng tre Bát độ 5.000 ha, vùng sơn tra 9.200 ha, vùng gỗ nguyên liệu 180.000 ha... 

Tăng trưởng, chuyển đổi cơ cấu và thay đổi nông thôn ở tỉnh Yên Bái - Ảnh 2.

Sản phẩm mật ong của Hợp tác xã Xây dựng và Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Mù Cang Chải được giới thiệu trong Tuần lễ giới thiệu hàng nông sản năm 2019 tại Hà Nội.

Cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển dịch tích cực, các giống tiến bộ kỹ thuật có năng suất, chất lượng cao áp dụng ngày một nhiều hơn. Thay đổi thói quen, nhận thức của người dân từ sản xuất quảng canh, quy mô nhỏ sang sản xuất thâm canh, quy mô lớn, tập trung; ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng và giá trị thu được trên đơn vị diện tích canh tác.

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động của KTTT, đặc biệt là HTX vẫn chưa có nhiều thay đổi. KTTT còn bộc lộ nhiều yếu kém chưa được khắc phục, những mô hình HTX kiểu mới chưa có nhiều, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh, nhiều HTX vẫn trong tình trạng khó khăn. Bên cạnh đó, đa phần các HTX trên địa bàn tỉnh đều ở quy mô nhỏ, vốn góp của thành viên phần lớn là vốn danh nghĩa, năng lực cạnh tranh kém, hiệu quả thấp; trình độ cán bộ quản lý HTX còn hạn chế, vì vậy khó đáp ứng được nhiệm vụ sản xuất kinh doanh trong điều kiện kinh tế thị trường.

Để từng bước khắc phục tình trạng trên, giai đoạn 2016-2020, tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò của KTTT, HTX; xây dựng và phát triển các HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa, trong đó HTX đóng vai trò nòng cốt trong việc tổ chức sản xuất, chế biến và liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ hàng hóa cho người dân; củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ hợp tác, HTX trong mọi lĩnh vực, phát triển theo hướng bền vững, thu hút tất cả nông dân, phần lớn hộ cá thể, doanh nghiệp vừa và nhỏ, tổ chức xã hội tham gia KTTT.

Bên cạnh đó, Liên minh HTX tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác hỗ trợ để nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu các sản phẩm chủ lực; hỗ trợ các HTX tích cực tham gia các chương trình phát triển HTX của Trung ương và địa phương; tư vấn, hướng dẫn các HTX ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên thị trường; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề đội ngũ cán bộ quản lý và người lao động trong khu vực KTTT, HTX; khuyến khích các đoàn thể chính trị, xã hội, hiệp hội và hội nghề nghiệp có số lượng đông đảo hội viên, thành viên tham gia thúc đẩy thành lập HTX, vừa mang lại lợi ích thiết thực cho thành viên, đồng thời tác động tới việc nâng cao uy tín của các đoàn thể, hiệp hội, hội, từ đó góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tỉnh tiếp tục đề án Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (gọi tắt là OCOP) gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, Yên Bái đã có trên 90 sản phẩm đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao, 4 sao. Đây cũng được xem là giải pháp thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển.

Tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước và yêu cầu đặt ra của thực tiễn sản xuất trong giai đoạn mới; xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, kế hoạch phát triển các vùng sản xuất sản phẩm chủ lực tập trung, chuyên canh, đủ điều kiện cấp mã số vùng trồng, cấp chứng nhận chất lượng theo tiêu chuẩn và thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm; ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, đổi mới công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại. 

Gắn chặt sản xuất với chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng đối với các sản phẩm nông sản chủ lực, sản phẩm đặc sản, hữu cơ của tỉnh; tham mưu, ban hành khung cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất một cách đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả. Tập trung vào giải quyết các vấn đề tồn tại, hạn chế trong sản xuất hiện nay, đồng thời thúc đẩy phát triển sản xuất đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững...".

Ngô Huy - Thanh Tùng
Ý kiến của bạn