Tăng trưởng GRDP vùng Trung du và miền núi phía Bắc đạt 9,1%

Đầu tư và Tiếp thị
08:48 AM 19/12/2024

Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi Bắc bộ lần thứ 4, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm cho biết, tăng trưởng GRDP của Vùng năm 2024 ước đạt 9,11%, cao hơn bình quân chung cả nước (ước đạt 6,8%-7%) và là vùng cao nhất cả nước.

Chiều 18/12, Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc lần thứ tư diễn ra tại Hòa Bình, dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc.

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm cho biết, năm 2024, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, tăng trưởng tổng sản phẩm Vùng (GRDP) ước đạt 9,1%, cao nhất cả nước. Trong đó, một số địa phương có mức tăng trưởng khá cao như: Bắc Giang (cao nhất cả nước với mức tăng trưởng là 13,8%), Phú Thọ (9,5%), Tuyên Quang (9,04%). Quy mô GRDP theo giá hiện hành năm 2024 ước đạt hơn 1 triệu tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người của vùng đạt khoảng 76 triệu đồng/người.

Cơ cấu GRDP chuyển dịch khá tích cực, cơ cấu ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm 80,9% GRDP của Vùng. Đóng góp của 2 ngành trên chiếm 8,7% điểm tăng trưởng GRDP của Vùng trong năm 2024.

Tăng trưởng GRDP vùng Trung du và miền núi phía Bắc đạt 9,1%- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm. Ảnh: MPI

Thu ngân sách nhà nước toàn Vùng năm 2024 đạt 89.200 tỷ đồng (tăng 13% so với dự toán Trung ương giao), trong đó 10/14 địa phương có số thu vượt dự toán. Tỉnh Thái Nguyên đã cân đối được thu chi ngân sách, đạt mục tiêu của nghị quyết của Bộ Chính trị.

Môi trường kinh doanh của Vùng được cải thiện rõ rệt: năm 2023 toàn Vùng có 5/14 địa phương nằm trong nhóm 30 các địa phương có chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh tốt nhất (Bắc Giang, Phú Thọ, Lạng Sơn, Thái Nguyên và Lào Cai).

Đến năm 2024, toàn vùng đã có 37 khu công nghiệp được thành lập, 26 khu công nghiệp đang hoạt động với tỉ lệ lập đầy hơn 67% diện tích. Toàn vùng có hơn 44.000 doanh nghiệp hoạt động và kê khai thuế, tăng gần 2.000 doanh nghiệp so với năm 2023. Thu hút 90 dự án FDI mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 1,8 tỉ USD (tập trung vào các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ).

Giải ngân 11 tháng vốn đầu tư công của Vùng đạt khá, 69% (cả nước bình quân 60%), đứng thứ 2 trong cả nước sau vùng Đồng bằng sông Cửu Long; toàn Vùng có 9/14 địa phương giải ngân vốn đầu tư công đạt trên mức bình quân cả nước.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm, vùng Trung du và miền núi phía Bắc cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Kinh tế của Vùng tuy tăng trưởng khá nhưng quy mô kinh tế vùng còn nhỏ, chỉ chiếm 8% so với cả nước, 13/14 địa phương trong Vùng chưa tự cân đối thu chi ngân sách, mô hình tăng trưởng chưa thực sự bền vững, chưa dựa vào ứng dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số...

Hạ tầng giao thông kết nối vẫn là điểm nghẽn của Vùng, chưa kết nối được với Vùng Thủ đô, ra các cảng biển, đường sắt chưa kết nối được với Trung Quốc và ra quốc tế. Tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm của Vùng còn chậm, như tuyến Hòa Bình - Mộc Châu, điều chỉnh cao tốc Hà - Giang Tuyên Quang, hầm Hoàng Liên…

Liên kết hợp tác phát triển Vùng còn hạn chế, chưa đi vào chiều sâu, còn mang tính hình thức, hiệu quả còn thấp, chưa tạo ra được chuỗi sản xuất, kinh doanh mang nét đặc trưng của vùng, nhất là trong phát triển du lịch; Hệ thống cơ sở dữ liệu vùng chưa được xây dựng.

"Trong thời gian tới cần xác định công tác điều phối thực hiện các dự án vùng, liên vùng, là nhiệm vụ trọng tâm để tập trung chỉ đạo, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hoàn thành các dự án đúng tiến độ. Các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại kế hoạch hoạt động năm 2024 của Hội đồng điều phối vùng và đề xuất các chuyên đề để triển khai liên kết vùng thực hiện trong 2025" - Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm cho biết.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn