GDP quý III tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước
Trong quý III mặc dù khu vực nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề của bão Yagi nên chỉ tăng trưởng 2,58% nhưng bù lại khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng mạnh kéo GDP quý III tăng trưởng 7,4%.
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng đầu năm 2024 do Tổng cục Thống kê vừa công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2024 ước tính tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản quý III tăng 2,58%, chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2021 trong giai đoạn 2020 - 2024, đóng góp 4,08% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Khu vực công nghiệp và xây dựng quý III tăng 9,11%, đóng góp 48,88%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là điểm sáng của nền kinh tế với tốc độ tăng 11,41%. Đây cũng là mức tăng cao nhất của cùng kỳ các năm trong 6 năm gần đây.
Khu vực dịch vụ quý III tăng 7,51%, đóng góp 47,04%. Về sử dụng GDP quý III/2024, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,02% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 59,78% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 7,08%, đóng góp 39,03%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,68%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,84%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 1,19%.
Tính chung 9 tháng, GDP ước tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,20%, đóng góp 5,37% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,19%, đóng góp 46,22%; khu vực dịch vụ tăng 6,95%, đóng góp 48,41%.
Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm 2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,64%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,10%; khu vực dịch vụ chiếm 42,80%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,46% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2023 là 11,80%; 36,98%; 42,61%; 8,61%).
Về sử dụng GDP 9 tháng năm 2024, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,18% so với cùng kỳ năm 2023, đóng góp 62,66% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 6,86%, đóng góp 36,68%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,94%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 17,05%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 0,66%.
An Mai (t/h)Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.