Kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2022 của nước ta khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực. Hoạt động sản xuất, kinh doanh trong quý III/2022 tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt so với cùng kỳ năm trước. Nhiều ngành đã khôi phục mạnh mẽ và đạt mức tăng trưởng cao hơn so với thời điểm trước khi dịch COVID-19 xảy ra.
GDP quý III cao nhất 11 năm
Ngày 29/9/2022, Tổng Cục Thống kê đã công bố chỉ số lạm phát (CPI) và GDP quý III/2022. Theo đó, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2022 ước tính tăng khá cao ở mức 13,67% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng mạnh của quý III, giúp GDP 9 tháng đầu năm tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, con số 8,83% là "mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011-2022", các hoạt động sản xuất kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đã phát huy hiệu quả.
Kinh tế 9 tháng năm 2022 của nước ta diễn ra trong bối cảnh triển vọng kinh tế thế giới trở nên khó khăn hơn khi xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine kéo dài; lạm phát duy trì ở mức cao, nhất là ở châu Âu và Mỹ; xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều quốc gia; thời tiết diễn biến bất thường ở nhiều châu lục… Tuy vậy, kinh tế nước ta khởi sắc ở hầu hết lĩnh vực.
Dù mức tăng trưởng cao của quý III/2022 được dự báo từ trước, song con số tăng trưởng 13,67% vẫn cao hơn so với kỳ vọng 10 - 11% được các chuyên gia và tổ chức tài chính quốc tế đưa ra trước đó. Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý III đạt 10,8%; VinaCapital cho rằng, tăng trưởng GDP quý III tăng cao (vượt 10%)… Còn một số chuyên gia tổ chức trong nước dự báo tăng trưởng kinh tế quý III/2022 có thể lên 11%.
Gần đây, các tổ chức quốc tế đều cập nhật dự báo tăng trưởng Việt Nam cả năm 2022 đều ở mức cao so với mục tiêu đề ra trong khoảng từ 6,7 - 7,5%, trên cơ sở nhu cầu tiêu dùng nội địa phục hồi mạnh mẽ cùng với hoạt động chế biến chế tạo theo định hướng xuất khẩu vẫn tiếp tục phát triển vững chắc.
Kiểm soát lạm phát ở mức thấp
Một thành công nữa là lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2022 tăng 0,4% so với tháng trước. So với tháng 12/2021, CPI tháng 9 tăng 4,01% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,94%. Bình quân 9 tháng năm nay, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 1,88%.
Ảnh: TCTK
Theo bà Hương, với chỉ số trên, chúng ta có thể yên tâm kiểm soát lạm phát năm khoảng 4% như Quốc hội đặt ra.
Song, vẫn còn một số yếu tố có thể làm tăng CPI những tháng cuối năm và áp lực cho năm 2023.
Cụ thể, giá nguyên nhiên vật liêu hiện nay vẫn đang ở mức cao, mà Việt Nam đang phải nhập khẩu phần lớn nguyên nhiên vật liệu cho sản xuất.
Mặt khác, giá USD cũng đang tăng và càng làm tăng thêm chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá.
Thực tế, chỉ số giá nhập khẩu tăng rất cao kể từ năm 2012 đến nay. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu trên 90% là tư liệu sản xuất. Điều này cho thấy doanh nghiệp đang chịu sức ép về giá rất lớn trong chi phí sản xuất.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá, giá xăng dầu sắp tới vẫn diễn biến phức tạp. Giá thế giới đang giảm nhưng rủi ro giá tăng hiện hữu vì xung đột tại Ukraine chưa biết bao giờ chấm dứt.
Trong khi, giá lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc thường tăng vào cuối năm; hay thiên tai, dịch bệnh ở các dịa phương cũng làm giá cả tăng lên…
Kinh tế trong nước lại đang phục hồi rõ nét, kết quả tăng trưởng quý III và 9 tháng cho thấy phục hồi mạnh mẽ và còn tiếp tục phục hồi trong những tháng cuối năm làm nhu cầu tiêu dùng hàng hóa trong dân tăng mạnh.
"Những điều trên sẽ là là áp lực lớn cho việc kiểm soát lạm phát năm 2023. Do đó, đòi hỏi tiếp tục phải có những biện pháp kiểm soát giá chặt chẽ", bà Hương cho hay.
Có 50.500 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động
Trong tháng 9/2022, cả nước có 11.466 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 136 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 61,9 nghìn lao động, giảm 3,8% về số doanh nghiệp, tăng 4,5% về vốn đăng ký và giảm 17,7% về số lao động so với tháng 08/2022.
So với cùng kỳ năm 2021, tăng 194,1% về số doanh nghiệp, tăng 117,9% về số vốn đăng ký và tăng 24,1% về số lao động.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 11,9 tỷ đồng, tăng 8,6% so với tháng trước và giảm 25,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong tháng, cả nước còn có 5.118 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 20,7% so với tháng trước và tăng 54,3% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung 9 tháng năm 2022, cả nước có 112.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1,27 triệu tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 758.100 lao động, tăng 31,9% về số doanh nghiệp, tăng 6,4% về vốn đăng ký và tăng 16,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 11,3 tỷ đồng, giảm 19,4% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 2,63 triệu tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 38,7 nghìn lượt doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 9 tháng năm nay là 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, còn có 50.500 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 56,1% so với 9 tháng năm 2021, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng lên 163.300 doanh nghiệp, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 18.100 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 2,9%
Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 9 phục hồi và phát triển tích cực với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý 1 tăng 5% và quý II tăng 20,1% và quý III tăng 41,7%.
Ảnh: TCTK
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 ước đạt 493,1 ngàn tỷ đồng, tăng 2.9% so với tháng trước và tăng 36.1% so với cùng kỳ năm trước, đạt quy mô năm 2019 - năm chưa có dịch COVID-19. Trong quý 3/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.450,4 ngàn tỷ đồng, tăng 3.8% so với quý trước và tăng 41,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4.170,2 ngàn tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 giảm 5%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 16,8% (cùng kỳ năm 2021 giảm 6.6%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2022 có quy mô cũng như tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ nhiều năm lại đây và tăng 14.2% so với 9 tháng năm 2019, năm trước khi xảy ra dịch COVID-19. Mặc dù vậy, quy mô của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2022 ước tính chỉ đạt khoảng 84% trong điều kiện bình thường không bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng năm 2022 ước đạt 3.300 ngàn tỷ đồng, tăng 15.8% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 11,6%), chủ yếu do doanh thu cùng kỳ năm trước đạt thấp vì ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Cả nước xuất siêu 6,52 tỷ USD
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2022 ước đạt 29,94 tỷ USD, giảm 14,3% so với tháng trước và tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý III/2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 96,5 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước và giảm 0,5% so với quý II/2022.
Tính chung 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 282,52 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 9/2022 ước đạt 28,8 tỷ USD, giảm 7,3% so với tháng trước và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý III/2022, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 90,7 tỷ USD, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước và giảm 7,1% so với quý II/2022.
Tính chung 9 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 276 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 9 tháng năm 2022, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,9%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 86,3 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 91,6 tỷ USD. Trong 9 tháng năm 2022, xuất siêu sang EU ước đạt 24,3 tỷ USD, tăng 48,2% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 51,5 tỷ USD, tăng 21,3%.
"Cán cân thương mại hàng hóa tháng 9/2022 ước tính xuất siêu 1,14 tỷ USD", cơ quan Thống kê quốc gia cho biết.
Tính chung 9 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 3,44 tỷ USD).