Tăng trưởng tín dụng tính đến đầu tháng 12 đạt 12,5%
Trong phiên họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết thống kê nhanh đến ngày 7/12, tăng trưởng tín dụng cả nước đạt khoảng 12,5%, cao hơn so với thống kê cuối tháng 11/2024 (11,9%).
Theo Phó thống đốc, năm 2024 khởi đầu có những khó khăn, nhưng đến nay câu chuyện tăng trưởng tín dụng đã được giải quyết tích cực cùng sự phát triển của nền kinh tế.
Tăng trưởng tín dụng năm nay tương đối hài hòa với nhịp độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, cho thấy vai trò tín dụng gắn chặt với hỗ trợ nền kinh tế, kiểm soát lạm phát.
Theo Phó thống đốc, tính đến ngày 29/11, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế vào khoảng 11,9%, còn đến nay (7/12), chỉ tiêu tăng trưởng này đã đạt 12,5% so với đầu năm. Đây là mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm trước (cùng thời điểm năm 2023 tăng khoảng 9%).
Với kết quả trên, hiện tổng dư nợ toàn nền kinh tế vào khoảng 15,3 triệu tỷ đồng, số huy động vốn đạt khoảng 14,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,36% so với đầu năm.
“Tốc độ tăng dư nợ cao hơn khá nhiều huy động vốn, cho thấy ngoài việc các ngân hàng huy động vốn từ dân cư thì NHNN cũng phải hỗ trợ thanh khoản cho thị trường thông qua các công cụ chính sách điều hành”, Phó thống đốc Tú nói.
Lý giải nguyên nhân tín dụng tăng tích cực, Phó thống đốc cho biết nền kinh tế có nhiều thuận lợi trên tất cả lĩnh vực. Chẳng hạn, xuất khẩu tăng trưởng cao, các doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, môi trường đầu tư thuận lợi...
Thêm vào đó, việc điều hành đồng bộ, từ kinh tế ngành đến vĩ mô, chính sách tài khoá, tiền tệ hài hoà cũng giúp doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, vay vốn. Từ đó, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế được cải thiện.
Ông Tú cũng cho biết tăng trưởng tín dụng cải thiện còn do năm nay, các ngân hàng được chủ động xác định hạn mức theo nhu cầu vốn của nền kinh tế và khả năng. Nhà băng nào hết hạn mức được giao từ đầu năm cũng được chủ động nới thêm mà không phải chờ Ngân hàng Nhà nước thông báo như trước đây.
Cùng đó, so với đầu năm, lãi suất cho vay bình quân đã giảm 0,96%. Việc này giúp doanh nghiệp hạ chi phí đầu vào, tích cực đầu tư. Ngân hàng Nhà nước cũng tháo gỡ nhiều thủ tục, quy định, đặc biệt là cơ chế giãn, hoãn nợ sau cơn bão số 3. Tín dụng cho bất động sản, chứng khoán vẫn kiểm soát chặt rủi ro nhưng vẫn tạo điều kiện cho 2 lĩnh vực này khởi sắc hơn.
Năm nay, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15%. "Theo thông lệ, cuối năm là thời điểm giải ngân lớn, do đó, chỉ tiêu này có thể đạt được", Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết.
Huyền My (t/h)Ngày 15/1, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới”.