Tăng trưởng xanh là xu thế tất yếu trong phát triển nhanh và bền vững
Theo TS. Trần Đình Thiên, với việc lựa chọn lộ trình tăng trưởng xanh, Việt Nam có thể trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh - phương thức quan trọng và là hướng đi đúng đắn cho phát triển nhanh và bền vững.
Sáng 22/11, CafeF thuộc Công ty Cổ phần VCCORP đã tổ chức Hội thảo "Tầm nhìn xanh Việt Nam và những câu chuyện điển hình". Hội thảo thu hút hàng trăm doanh nghiệp tham gia với sự đồng hành chuyên môn của các đơn vị quản lý, các chuyên gia kinh tế hàng đầu, các đơn vị tư vấn, đại diện doanh nhân, doanh nghiệp đã có hành động quyết liệt, có hiệu quả trong lĩnh vực phát triển xanh.
Xanh là lựa chọn tất yếu
Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, cách tiếp cận xanh đối với phục hồi kinh tế, hướng tới mục tiêu kép về tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đang là lựa chọn hàng đầu được nhiều quốc gia lựa chọn. Và Việt Nam cũng không là ngoại lệ.
Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết hướng tới phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Bên cạnh đó, để có thể hoàn thành nhanh hơn mục tiêu dài hạn về phát triển bền vững và trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045, đảm bảo người dân có cuộc sống chất lượng cả về vật chất và tinh thần, lựa chọn phục hồi xanh là sự tất yếu.
Cũng theo TS. Trần Đình Thiên, Việt Nam đang phục hồi hậu COVID-19, là cơ hội lớn để Chính phủ lựa chọn giữa lộ trình cũ hay lộ trình tăng trưởng xanh để giúp đối mặt với tác động của dịch bệnh trong tương lai, rủi ro do biến đổi khí hậu và bền vững về môi trường. Chọn lựa xu hướng đó, Việt Nam có thể trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh - phương thức quan trọng và là hướng đi đúng đắn cho phát triển nhanh và bền vững.
Tại COP26, Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, giảm phát thải khí mê-tan 30% vào năm 2030, giảm dần và loại bỏ điện than trong giai đoạn 2030-2040, bảo vệ rừng. Để hiện thực hóa các cam kết này, TS. Trần Đình Thiên cho rằng, Việt Nam phải đẩy nhanh và mạnh mẽ hơn nữa việc triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh, cụ thể hóa các nội dung Chiến lược tại Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh, xây dựng "Lộ trình hiện thực hóa tăng trưởng xanh gắn với phát triển KT-XH với tầm nhìn dài hạn".
Ông Thiên nhận định: "Tuy có nhiều khó khăn, thách thức, song việc theo đuổi mục tiêu phát thải ròng bằng "0" sẽ tạo áp lực: Chuyển đổi (chuyển đổi xanh) các ngành, các doanh nghiệp theo hướng tăng cường áp dụng khoa học công nghệ mới và sạch; đổi mới sáng tạo trong sản phẩm, quy trình, tổ chức - mô hình quản lý, sản xuất; mở thị trường mới, cấu trúc lại thị trường ngành, triển khai các hoạt động marketing mới".
Trên góc độ đơn vị phát triển du lịch, bà Nguyễn Vũ Quỳnh Anh, Tổng Giám đốc Sun Hospitality Group (thành viên Sun Group) cũng cho rằng du lịch phát triển đúng hướng sẽ giúp nền kinh tế từng bước dịch chuyển từ "nâu" sang "xanh". Đại diện Sun Group lấy dẫn chứng từ điển hình Quảng Ninh - tỉnh vẫn được ví là "Việt Nam thu nhỏ", và là minh chứng tiêu biểu cho thành công trong chuyển dịch nền kinh tế từ "nâu" sang "xanh".
Cụ thể, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đưa ra mục tiêu chuyển dịch nền kinh tế từ "nâu" sang "xanh, giảm dần khai khoáng, hướng mạnh sang lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Tỉnh đã kêu gọi đầu tư hàng loạt công trình trọng điểm tạo lực đẩy cho ngành "công nghiệp không khói" tăng tốc. Nhờ những dự án động lực, chỉ trong vòng 5 năm từ năm 2013 tới 2018, Quảng Ninh thu hút 100 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư 110.000 tỷ đồng.
"Nhờ hướng đi đúng đắn, lựa chọn thu hút nhà đầu tư chiến lược để phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch làm 2 gọng kìm mạnh mẽ góp phần chuyển đổi kinh tế từ "nâu" sang "xanh", Quảng Ninh đã hái trái ngọt với đà tăng trưởng du lịch ngoạn mục", đại diện Sun Group nhấn mạnh.
Doanh nghiệp đã hành động cụ thể trong chuyển đổi Xanh
Trong bài tham luận về chủ đề: Chuyển đổi Xanh ngành xây dựng, nhìn từ góc độ thúc đẩy phát triển công trình xanh, ông Nguyễn Công Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ Xây dựng) dẫn số liệu đáng chú ý, đó là các công trình xây dựng trên thế giới phát thải khoảng gần 40% tổng lượng khí thải carbon, trong đó lượng carbon vận hành công trình chiếm khoảng 28% và hơn 11% phát thải đến từ carbon hàm chứa từ quá trình sản xuất vật liệu xây dựng và quá trình thi công xây dựng công trình.
Ở Việt Nam, theo số liệu báo cáo của chuyên gia Eurocham tại Diễn đàn kinh tế xanh 2023, các công trình xây dựng chiếm 39% năng lượng tiêu thụ, 12% lượng nước tiêu thụ, phát thải khoảng 38% lượng khí thải carbon.
Theo ông Thịnh, công trình xanh phát triển ở Việt Nam đến nay khoảng trên dưới 15 năm. Tính đến hết quý 3 năm 2023, số lượng công trình xanh ở Việt Nam là 305 công trình với tổng diện tích sàn xây dựng được chứng nhận gần 7,5 triệu mét vuông. Đại diện Bộ Xây dựng cũng nhấn mạnh rằng: Việc phát triển công trình xanh thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành Xây dựng.
Trong khi đó, đại diện một đơn vị cấp vốn cho các dự án xanh, ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc HDBank cho biết ngành ngân hàng nói chung và HDBank nói riêng đều rất ủng hộ và tạo điều kiện về vốn cũng như triển khai nhiều chính sách ưu đãi cho các khách hàng sản xuất, kinh doanh sản phẩm Xanh, thân thiện với môi trường.
Còn đại diện SHB thì cho biết một số giải pháp mà ngân hàng này đang thực hiện nhằm góp phần đưa phát thải ròng về 0 như cải cách các quy định, quy trình, cơ chế cho đến "may đo" các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng cho các lĩnh vực xanh,…
Trong lĩnh vực giao thông vận tải, đại diện Xanh SM cho biết, giao thông xanh là phương thức để phát triển bền vững, góp phần định hướng phát thải ròng về 0. Vị này dẫn ra con số đáng chú ý khi phát triển giao thông xanh, đó là trung bình doanh thu của một xe taxi và xe máy điện của GSM hiện nay đang bằng một xe xăng, chi phí nhiên liệu và bảo dưỡng chỉ hết 1/3 so với xe xăng. Ngoài ra, doanh thu từ thị trường taxi điện ước tính khoảng 600 triệu USD và xe ôm là 2,5 tỷ USD/năm.
Ở lĩnh vực bất động sản, Gamuda Land là nhà phát triển bất động sản có chiến lược đặc biệt là cải tạo và biến những khu vực kém phát triển như"rốn nước thải" Yên Sở thành khu đô thị xanh, văn minh, hiện đại. Với Gamuda Land, giá trị cốt lõi để đạt được thành công gắn liền với việc bảo tồn thiên nhiên. Trong các dự án tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, chủ đầu tư luôn áp dụng nhiều phương pháp tiên tiến nhằm bảo tồn thiên nhiên như trồng cây trong vườn ươm, nhà máy xử lý nước thải theo tiêu chuẩn quốc tế, bảng năng lượng mặt trời, hệ thống lọc nước mưa để sử dụng tưới tiêu cho khu vực cây trồng.
Ở lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã tiên phong trong việc không sử dụng bao bì nilon hoặc dùng nilong tự phân huỷ. Một số doanh nghiệp như Nhựa Tái Chế Duy Tân (DUYTAN Recycling) đã đầu tư khoản kinh phí khổng lồ để xây dựng nhà máy sản xuất nhựa tái chế công nghệ cao, sản xuất ra các sản phẩm nhựa tái chế thân thiện với môi trường, phục vụ tiêu dùng không chỉ trong nước mà còn xuất khẩu đi 12 nước trên thế giới.
Những câu chuyện của các doanh nghiệp tiêu biểu trong các lĩnh vực về Xanh cho thấy những mạch nguồn hướng tới phát triển bền vững ở Việt Nam đang lan tỏa. Với sự đồng lòng của các doanh nghiệp và toàn xã hội, một nền kinh tế xanh, một Việt Nam xanh vững bước tới Net Zero sẽ sớm được hiện thực hóa.
Nhật HàTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.