Tăng vốn điều lệ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ quyết định tăng vốn điều lệ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam lên hơn 5.281 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 1434/QĐ-TTg, ngày 20/11/2023 sửa đổi Quyết định số 1394/QĐ-TTg ngày 13/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ, về việc thành lập Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và quy định chức năng, nhiệm vụ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam; sửa đổi Quyết định số 1395/QĐ-TTg ngày 13/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.
Theo đó, sửa đổi Điều 1 Quyết định số 1394/QĐ-TTg ngày 13/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và quy định chức năng, nhiệm vụ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam như sau:
Thành lập Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam theo quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi ngày 18/6/2012.
Vốn điều lệ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là 5.281.018.572.109 đồng. (Theo Quyết định số 1394/QĐ-TTg ngày 13/8/2013, vốn điều lệ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là 5.000 tỷ đồng).
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có trụ sở chính ở thành phố Hà Nội, văn phòng đại diện và các chi nhánh ở một số khu vực.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh là Deposit Insurance of Vietnam, viết tắt là DIV.
Bên cạnh đó, sửa đổi khoản 1 Điều 5 Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 1395/QĐ-TTg ngày 13/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ như sau:
Vốn điều lệ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là 5.281.018.572.109 đồng. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành (20/11/2023).
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định 1660/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đáng chú ý, tại Chiến lược này, Chính phủ yêu cầu nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan, đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp luật để thực hiện:
Tăng vốn điều lệ cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi lên 10.000 tỷ đồng vào năm 2025 và lên 15.000 tỷ đồng vào năm 2030 từ nguồn tự tích lũy và các nguồn vốn hợp pháp khác nhằm đảm bảo năng lực tài chính của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, khẳng định cam kết của Nhà nước và nâng cao niềm tin của người gửi tiền đối với chính sách bảo hiểm tiền gửi, đảm bảo nguồn lực triển khai hiệu quả hoạt động bảo hiểm tiền gửi.
Huyền My (t/h)Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.