Tạo đòn bẩy cho xúc tiến xuất khẩu tại chỗ
Nếu tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến xuất khẩu tại chỗ, doanh nghiệp trong nước sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận khách hàng quốc tế và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Xuất khẩu tại chỗ là hoạt động hàng hóa được sản xuất phục vụ xuất khẩu cho một thương nhân nước ngoài, nhưng hàng hóa sẽ được giao hàng tại Việt Nam cho một đơn vị theo chỉ định của thương nhân nước ngoài. Doanh nghiệp xuất khẩu bao gồm doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Tại tọa đàm về chủ đề “Nới quy định, tạo đòn bẩy để xúc tiến xuất khẩu tại chỗ” diễn ra ngày 21/3, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), đánh giá, xúc tiến thương mại trong nước được xem là giải pháp hiệu quả, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí so với tham gia các hoạt động xúc tiến quốc tế (có chi phí từ 10.000 USD đến vài chục ngàn USD nhưng chỉ dành cho 1 đến 2 người tham dự).
Đồng thời, nếu chúng ta tăng cường được những hoạt động xúc tiến thương mại trong nước tại chỗ thì cơ hội rộng mở hơn cho cả doanh nghiệp trong nước cũng như khách hàng quốc tế.
Đồng tình với đánh giá trên, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, nhận định những sự kiện quốc tế tại Việt Nam không chỉ thúc đẩy xuất khẩu mà còn giúp quảng bá văn hóa. Những doanh nghiệp nước ngoài khi đến Việt Nam, nắm bắt được thị trường có thể đưa ra phương án đầu tư, từ chuỗi giá trị ngành hàng đến công nghệ, máy móc.
Thực tế, chính sách xuất nhập khẩu của Việt Nam thời gian qua đã hỗ trợ rất nhiều, đặc biệt là chính sách xuất nhập khẩu tại chỗ. Từ khi có quy định tại Nghị định 08/2015 thì mô hình này là điểm mạnh, giúp các giao dịch thực hiện linh hoạt, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt về giá cho các sản phẩm xuất đi.
Không phải chỉ về giá, thời gian giao hàng cũng được rút ngắn rất nhiều bởi các doanh nghiệp nằm cạnh nhau nên họ giao hàng rất dễ, như thế Việt Nam gia tăng được mức độ cạnh tranh quốc gia so với các quốc gia khác như Ấn Độ, Indonesia… Tuy nhiên, thời gian gần đây, chính sách này đang bị siết chặt và Bộ Tài chính đề xuất tiến tới bỏ hẳn chính sách này, gây hoang mang cho doanh nghiệp.
Trước những lo ngại sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, tại tọa đàm giữa Thủ tướng Chính phủ và các doanh nghiệp châu Âu hồi đầu tháng 3, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Eurocham đề xuất cho phép quá độ cơ chế xuất nhập khẩu tại chỗ cho tới khi cơ chế này được chính thức hóa ở cấp độ luật. Ngoài ra, đề xuất cho phép tất cả thương nhân nước ngoài, dù có hiện diện hay không có hiện diện tại Việt Nam, được tham gia cơ chế xuất nhập khẩu tại chỗ như đã làm trong thời gian qua.
Còn tại tọa đàm ngày 21/3, ông Vũ Bá Phú đề xuất tạo ra cơ chế huy động Quỹ xúc tiến xuất khẩu bắt buộc từ mỗi USD xuất khẩu ra nước ngoài thay vì chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước. Đồng thời, ông cũng chỉ ra những hạn chế hiện hữu của hoạt động xúc tiến thương mại khi nhiều sự kiện mang tính hình thức, thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các bộ ngành và địa phương, từ đó ảnh hưởng đến hình ảnh của hàng hóa Việt Nam trong mắt người mua và các nhà nhập khẩu.
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nhấn mạnh, việc nâng cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả của các chương trình xúc tiến thương mại là yếu tố then chốt nhằm tạo sức hút bền vững cho sản phẩm Việt Nam.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng sẽ có những hỗ trợ về kỹ thuật để nâng cao năng lực trực tiếp cho các doanh nghiệp, hiệp hội.
Doanh nghiệp cần chủ động, có thể tìm kiếm các đơn vị hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng sẽ có những hỗ trợ về kỹ thuật để nâng cao năng lực trực tiếp cho các doanh nghiệp, hiệp hội. Hiệp hội đại diện cho doanh nghiệp cũng cần phải liên kết với hệ thống đào tạo nhân lực để đào tạo ra nguồn nhân lực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và trong khu vực
An Mai (t/h)
Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) chính thức ra mắt chương trình “Visit Vietnam” – series du lịch khám phá các điểm đến “đi là mê” khắp Việt Nam với góc nhìn mới mẻ.