Tạo động lực nâng hạng thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất về quy mô và thanh khoản trong khu vực. Riêng FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Mới đây, Báo Lao Động phối hợp cùng Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức Hội thảo "Tạo động lực nâng hạng thị trường chứng khoán". Sự kiện có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đại diện các Sở giao dịch chứng khoán, công ty chứng khoán, doanh nghiệp niêm yết, các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán...
Phát biểu tại Hội thảo, ông Vũ Chí Dũng Vụ trưởng Vụ HTQT, UBCKNN cho biết, trong những năm gần đây, Chính phủ Việt Nam đã tiến hành công cuộc đổi mới và cải cách sâu rộng về kinh tế, xã hội và cơ cấu bộ máy nhà nước. Với mục tiêu phát triển kinh tế nhanh chóng, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế song hành cùng tiến bộ và công bằng xã hội, gắn kết chặt chẽ với bảo vệ và cải thiện môi trường, Việt Nam đã đạt được những bước tiến vững chắc.
Những nỗ lực không ngừng trong việc đổi mới và hoàn thiện khung khổ chính sách và điều hành đã giúp thị trường chứng khoán Việt Nam khẳng định sức hút mạnh mẽ của mình sau hơn hai thập kỷ hoạt động. Điều này được minh chứng qua chất lượng hàng hóa trên sàn, quy mô giao dịch, cũng như số lượng nhà đầu tư tham gia ngày càng tăng, với chất lượng được nâng cao liên tục. Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường có tốc độ phát triển nhanh nhất về quy mô và thanh khoản trong khu vực.
Thị trường chứng khoán Việt Nam trước ngưỡng cửa nâng hạng
Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang được hai tổ chức quốc tế là MSCI và FTSE Russell xếp vào thị trường cận biên. Riêng FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên thị trường mới nổi. Còn với MSCI, điều tích cực là ở thông báo mới nhất, tổ chức này đánh giá Việt Nam có sự cải thiện trong khả năng chuyển nhượng. Như vậy, Việt Nam đã đạt 7/9 chỉ tiêu của thị trường mới nổi theo tiêu chí của FTSE còn với MSCI còn cần 8 tiêu chí để cải thiện.
Ông Trần Minh Hoàng - Giám đốc Nghiên cứu Phân tích Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, những tiêu chí khó nhất liên quan đến quy mô giao dịch Việt Nam đã có thể đáp ứng, nhưng lại vướng ở những tiêu chí liên quan đến hành lang pháp lý, cơ chế và sự minh bạch thông tin. Những tiêu chí này hoàn toàn trong tầm tay của nhà quản lý cũng như lộ trình thay đổi hành lang pháp lý của Việt Nam.
"Chúng tôi ghi nhận nỗ lực rất lớn từ phía cơ quan quản lý trong việc xây dựng hành lang pháp lý. Đặc biệt là hai tiêu chí quan trọng liên quan đến ký quỹ cho nhà đầu tư nước ngoài (prefunding) và minh bạch thông tin giữa các nhà đầu tư. Chúng tôi kỳ vọng nhà đầu tư chỉ cần lượng tiền nhỏ thay vì 100% để có thể giao dịch trên thị trường. Khi những điều kiện này được đáp ứng, hoàn toàn có cơ sở để Việt Nam đạt được mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2025" – ông Hoàng nói.
Nếu nâng hạng thành công, đây sẽ là tín hiệu quan trọng đối với cộng đồng quốc tế, cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển với nhiều tiềm năng tăng trưởng. Góc nhìn của các nhà đầu tư quốc tế về môi trường đầu tư - kinh doanh tại Việt Nam sẽ có chuyển biến tích cực hơn. Nâng hạng thị trường chứng khoán còn là cú hích gián tiếp dành cho mục tiêu từng bước nâng bậc tín nhiệm quốc gia theo "Đề án cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia đến năm 2030" - Quyết định số 412/QĐ-TTg ngày 31.3.2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Bài toán về thu hút dòng vốn đầu tư bền vững
Theo đánh giá từ các chuyên gia, khi Việt Nam góp mặt vào sân chơi thị trường chứng khoán mới nổi, uy tín, quy mô và chất lượng của thị trường chứng khoán nước ta sẽ lên một tầm cao mới, thu hút sự chú ý của nhà đầu tư nước ngoài. Bà Trần Thị Khánh Hiền – Giám đốc Khối nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB – cho hay: "Doanh nghiệp niêm yết sẽ nhận được sự chú ý nhiều hơn từ nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó cũng có thách thức vì doanh nghiệp khi đó sẽ cần nâng cao chất lượng công bố thông tin cũng như mức độ tiếp cận với nhà đầu tư nước ngoài. Ví dụ việc công bố thông tin và các báo cáo cần là song ngữ, áp dụng IFRS. Doanh nghiệp Việt Nam cũng phải cạnh tranh nhiều hơn với các doanh nghiệp khác ở nước ngoài…
Bà Hiền nhấn mạnh, không chỉ dừng lại ở mục đích nâng hạng mà sau khi nâng hạng cần phải thu hút thêm dòng vốn chất lượng cũng như hiệu quả đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư nước ngoài đến và cũng cần ở lại Việt Nam. Để làm được điều đó, bà Hiền khuyến nghị cần đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường vì hiện nay còn tương đối ít lựa chọn cho nhà đầu tư nước ngoài. Nhìn sang Thái Lan, đây là thị trường có cấu trúc tương đương Việt Nam nhưng khi họ đưa ra sản phẩm cổ phiếu không có quyền biểu quyết (NVDR), lập tức yếu tố độ mở với nhà đầu tư nước ngoài đã được cải thiện.
Ông Lê Đức Khánh – Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán VPS - kỳ vọng trong tương lai sẽ có thêm nhiều cổ phiếu bluechip thuộc đa dạng các ngành nghề, lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, tiêu dùng, bán lẻ, năng lượng… Những cổ phiếu lớn này sẽ đáp ứng được các tiêu chí, khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư nước ngoài, góp phần đa dạng hóa danh mục đầu tư.
Nhật MaiĐại hội Sales và Marketing toàn quốc (VSMCamp) và Hội nghị cấp cao các Giám đốc Sales và Marketing (CSMOSummit) mùa thứ 8 đã trở lại trong hai ngày 22-23/11/2024, tại trường Đại học VinUni, Hà Nội, với chủ đề “FORWARD+ Chiến lược sales và marketing trong kỷ nguyên phát triển bền vững”. Trong ngày đầu tiên của chuỗi sự kiện, hơn 60 diễn giả, chuyên gia; các cơ quan truyền thông, báo chí; những người hoạt động và có mối quan tâm tới lĩnh vực sales & marketing cùng sinh viên các trường Đại học đã hội tụ tại sự kiện sales và marketing lớn nhất năm.