Tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho thị trường tín chỉ carbon Việt Nam
Thị trường tín chỉ carbon là công cụ giảm thiểu phát thải khí nhà kính, phục vụ hiệu quả mục tiêu phát triển bền vững. Nhưng thị trường này tại Việt Nam chưa có khung pháp lý rõ ràng và chặt chẽ.
Tại Hội thảo Tài chính bền vững trong khuôn khổ Diễn đàn và Triển lãm kinh tế xanh GEFE 2024 tổ chức mới đây, các chuyên đều cho rằng, những năm qua kinh tế Việt Nam duy trì tốc độ trăng trưởng cao nhưng hàm lượng giá trị gia tăng còn thấp. Do đó, Việt Nam cần thực hiện đổi mới sáng tạo và cải thiện kỹ năng của lực lượng lao động, đảm bảo tăng trưởng song hành với chuyển đổi xanh để hướng tới mục tiêu Net Zero.
Thực tế, Chính phủ Việt Nam đang giảm dần đầu tư vào nhiệt điện và thay thế bằng các nguồn năng lượng xanh hơn là thuỷ điện, điện gió, điện mặt trời, đây là hướng đi đúng đắn để giảm phát thải. Tuy nhiên, chuyển đổi xanh cần nguồn đầu tư rất lớn, nếu chỉ trông chờ vào ngân sách đầu tư công sẽ không thể thực hiện được. Do đó, cần phát huy cơ chế hợp tác công tư (PPP) và nguồn cung cấp tài chính từ các ngân hàng.
Việt Nam cũng đang trong quá trình triển khai cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất trong việc thu gom tái chế (EPR) để nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp. Việc xây dựng thị trường tín dụng carbon sẽ là công cụ giúp Việt Nam từng bước giải quyết vấn đề giảm phát thải.
Thị trường tín chỉ carbon hiện chia làm hai nhóm là thị trường bắt buộc và tự nguyện; trong đó thị trường tín chỉ carbon bắt buộc đã có khung pháp lý rõ ràng. Tính trên quy mô toàn cầu năm 2023 thị trường tín chỉ carbon bắt buộc đã có quy mô khoảng 100 tỷ USD, tăng 100% so với năm 2022. Trong khi đó, thị trường tín chỉ carbon tự nguyện chỉ còn khoảng 800 triệu USD, giảm 2/3 so với năm 2021.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, các khung pháp lý hiện vẫn chưa được hình thành, dù có kế hoạch là năm 2028. Khi khung pháp lý bắt buộc chưa hình thành thì hiện tại, hoạt động tại Việt Nam chủ yếu là thị trường tự nguyện nên thị trường này cũng có khá nhiều vướng mắc.
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thu, Trưởng phòng quan hệ khách hàng Công ty tư vấn quản lý MJ Apanada OPC Việt Nam cho rằng: Trong việc xây dựng khung chính sách có thể học hỏi kinh nghiệm quốc tế hoặc tự xây dựng cơ chế tính toán tín chỉ carbon riêng phù hợp với thực tế.
Cần xác định những nhân tố tham gia trực tiếp vào thị trường tín chỉ carbon, đội ngũ nhân sự chủ chốt cần nắm rõ tín chỉ carbon là gì, mang lại lợi ích thế nào cho doanh nghiệp cách thức vận hành của thị trường tín chỉ carbon. Hơn hết, cần thúc đẩy hợp tác công tư, hợp tác giữa doanh nghiệp và Chính phủ để sớm định hình thị trường tín chỉ carbon.
Ông Marco Gaspari, Điều phối viên Môi trường và Biến đổi Khí hậu của Cơ quan Hợp tác Phát triển Italia, nhấn mạnh tính minh bạch trong thị trường tín chỉ carbon cũng hết sức quan trọng. Để thị trường tín chỉ carbon bền vững, việc minh bạch trong giảm thiểu phát thải carbon phải được đảm bảo ngay từ đầu. Các đơn vị mua tín chỉ cần xác định rõ mục đích và phương pháp tính toán để chọn được người bán uy tín.
Bà Betty Pallard, Phó Chủ tịch Ủy ban Tăng trưởng Xanh EuroCham Việt Nam, bổ sung các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 92% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng thị trường tín chỉ carbon. Vì vậy, quá trình xây dựng khung pháp lý cho thị trường tín chỉ carbon của Việt Nam cần đưa ra tiêu chuẩn, phương án thẩm định phù hợp với quy mô, khả năng vận hành của doanh nghiệp. Bên cạnh đó cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi xanh, giảm phát thải bằng giải pháp, hành động cụ thể..
Minh An (t/h)Sáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.