Tạp chí DN&TT chung tay với người dân xứ Nghệ vượt qua khó khăn trong đại dịch
Đại dịch COVID-19 đã khiến huyện Nghĩa Đàn nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, cũng như đời sống nhân dân bị ảnh hưởng. Là một đơn vị tích cực trong các hoạt động thiện nguyện, Tạp chí Doanh nghiệp & Tiếp thị (DN&TT) đã kêu gọi được nhiều sự giúp đỡ để cùng người dân tỉnh Nghệ An vượt qua những khó khăn trong đại dịch.
- Nghệ An: Ở nhà chính là chống dịch!
- Nghệ An: Phản hồi của Sở TNMT “Quản lý khoáng sản có thất thoát?”
- Các huyện miền núi Nghệ An đối diện với khó khăn “kép” trong đại dịch
- Quê hương xứ Nghệ và những chuyến trở về từ tâm dịch
- Chung sức, đồng lòng quyết tâm chống dịch, trong khó khăn càng sáng ngời tinh thần dân tộc!
Thuộc vùng miền núi Nghệ An, huyện Nghĩa Đàn được đánh giá là địa phương có sự phát triển kinh tế ổn định trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thương phẩm. Với những lợi thế về tự nhiên, thuận lợi trong trong trồng trọt và chăn nuôi, đồng thời biết áp dụng công nghệ khoa học kỹ thuật, nên năng suất luôn đạt hiệu quả cao, mang lại nguồn lợi kinh tế ổn định. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của huyện Nghĩa Đàn trở thành sản vật địa phương, và được ưa chuộng ở nhiều tỉnh thành của cả nước như: ổi, cam, bơ,…
Thực tế cũng cho thấy, huyện Nghĩa Đàn ngày càng khởi sắc cả về kinh tế lẫn văn hóa. Điều này một lần nữa khẳng định, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi đúng của huyện miền núi Nghĩa Đàn.
Nhưng trước sự bùng phát của đại dịch COVID-19, huyện Nghĩa Đàn nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung, không tránh được những ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp về sản xuất kinh tế và đời sống nhân dân. Cùng với đó, trên địa bàn huyện có gần 1.500 lao động từ các tỉnh thành hồi hương tránh dịch. Đòi hỏi những người đứng đầu địa phương cũng như Ban Chỉ đạo chống dịch phải có những phương án, kịch bản kịp thời để vừa đảm bảo an sinh xã hội, vừa đảm bảo an toàn phòng chống COVID-19.
Tất cả các công tác tiếp nhận, kiểm tra sức khỏe, lấy mẫu thử, di chuyển đến khu cách ly tập trung luôn được lãnh đạo địa phương và ban chống dịch huyện kiểm tra, giám sát. Các công dân về quê đều được test lấy mẫu 3 ngày/ lần, và cách ly tập trung tại các điểm cách ly của địa phương.
Ông Phan Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn cho biết: "Thời gian cách ly tập trung đối với các công dân về quê là 14 ngày. Các chi phí lấy mẫu test, hay ăn uống tại khu cách ly, cho đến thời điểm này, vẫn đang được địa phương hỗ trợ 100%. Để đảm bảo an toàn các yếu tố phòng chống dịch, cũng như tinh thần để các công dân yên tâm thực hiện cách ly".
Huyện Nghĩa Đàn cũng là địa phương đang tích cực thực hiện các chủ trương chống dịch. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn đặt ra cho những người đứng đầu huyện, khi mà cùng một lúc phải giải quyết nhiều vấn đề liên quan. Ông Phan Văn Bình – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: "Bài toán hiện nay đối với địa phương, đó là phải đảm đủ hàng thiết yếu cho các công dân hồi hương cũng như người dân trên địa bàn trong thời gian tiếp tục cách ly tại nhà, và trong thời gian chấp hành các chủ trương chung của ban chống dịch. Người dân không thể trực tiếp tham gia sản xuất, công dân trở về cũng chưa thể sắp xếp được công việc. Trong khi đó, nhu cầu về cơm ăn nước uống là hàng ngày. Hiện tại thì tất cả các hộ dân vẫn đang được đảm bảo về nhu yếu phẩm, nhưng về lâu dài, chúng tôi cũng cần phải có những phương án dự phòng và vận động sự hỗ trợ".
Trong khó khăn của đại dịch COVID-19, tinh thần "tương thân tương ái" vẫn luôn là tiếng nói chung, tấm lòng chung mà tất cả chúng ta dành cho nhau. Là một đơn vị tích cực trong các hoạt động kêu gọi, vận động hỗ trợ - Tạp chí Doanh nghiệp & Tiếp thị tiếp tục phát huy năng lực trong các chương trình "tiếp sức" cùng các địa phương phòng chống dịch COVID-19.
Mới đây, với vai trò là người kết nối và tiếp nhận, nhà báo Vũ Thái Quảng đại diện cho Tạp chí DN&TT đã vận động được 9 tấn gạo, 100 thùng mì gói và 250 hộp khẩu trang y tế. Tất cả đều được ủng hộ từ các doanh nghiệp và bạn đọc thân thiết như: Công ty CP Đầu tư và Thương mại dầu khí Nghệ An (PVIT) ủng hộ đồng hành 6 tấn gạo, Công ty TNHH Phú Nguyên ủng hộ 2 tấn gạo, Công ty CP Tân Hoàng Khang ủng hộ 1 tấn gạo, đội CSGT huyện Quỳ Hợp ủng hộ thêm 150 hộp khẩu trang. Bên cạnh đó còn là sự sẻ chia, góp sức của đội ngũ nhà báo, phóng viên tại khu vực miền Trung. Đặc biệt, tất cả những phần quà ý nghĩa này đều được Công ty Vilaconic xuất xe chở miễn phí.
Tiếp nhận sự hỗ trợ, ông Phan Văn Bình – Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: "Đây thật sự là sự tiếp ứng kịp thời với địa phương. Về lâu dài, những nguồn lực của địa phương cũng sẽ gặp hạn chế trong việc hỗ trợ lương thực thực phẩm cho người dân. Chúng tôi sẽ nhanh chóng bố trí sắp xếp, phân bổ hợp lý để đưa đến các hộ gia đình khó khăn và các gia đình công dân hồi hương đang trong thời gian cách ly tại nhà. Đây không chỉ là tiếp sức về tinh thần chống dịch, mà còn là sự động viên thiết thực nhất lúc này, để chúng tôi có thêm quyết tâm cùng chống lại dịch bệnh".
Trước đó đội ngũ nhà báo, phóng viên Tạp chí DN&TT cũng đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, đóng góp từ độc giả và các mạnh thường quân, các doanh nghiệp. Vào ngày 19/8/2021, với mong muốn chia sẻ những khó khăn do dịch bệnh với huyện Kỳ Sơn, Công ty CP Đầu tư & Thương mại dầu khí Nghệ An (PVIT), Công ty CP đầu tư LANDCOM, Công ty TNHH Phong Luyến đã đóng góp và ủng hộ 7000kg gạo, 550 thùng mỳ tôm và 500 hộp khẩu trang, 200 chai nước rửa tay sát khuẩn, 100 lít dung dịch đặc khử khuẩn. Riêng cá nhân anh Kiên ở Công ty sàn BĐS Tâm Quê đã ủng hộ 500 hộp cá khô lạc rim, một số quà như gạo, mỳ tôm, cá khô rim lạc cũng được gửi tới chốt trên QL 1A của xã Tam Quang, huyện Tương Dương. Ý nghĩa hơn là những chuyến xe rau xanh được đội ngũ nhà báo, phóng viên khu vực miền Trung tự bỏ kinh phí mua và phát miễn phí tới nhiều điểm trên địa bàn thành phố Vinh trong những ngày qua.
Hiện tại, bài toán về an sinh xã hội, ổn định trật tự, vừa đảm bảo phòng chống dịch là áp lực không nhỏ đối với các địa phương như Nghệ An trong bối cảnh khó khăn chồng khó khăn do dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên với tinh thần chiến đấu bền bỉ và nghiêm túc thực hiện các chủ trương chống dịch của toàn dân, tỉnh Nghệ An luôn tin rằng những khó khăn sẽ dần được khắc phục, tình hình sớm được kiểm soát và người dân sẽ sớm trở lại cuộc sống bình thường, ổn định.
Lê Dung - Cẩm TúNhiều địa phương vẫn gặp khó khăn trong việc áp dụng các quy định về bảng giá đất và định giá đất mới sau 2 tháng thực hiện Luật Đất đai 2024.