Tạp chí Hoa Kỳ: 2 yếu tố khác biệt lớn trong phát triển cơ sở hạ tầng Việt Nam so với quá khứ
Tương tự như mô hình phát triển của các nước như Hàn Quốc, Singapore, hiện nay Việt Nam cũng đang tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm đạt mục tiêu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Cơ sở hạ tầng là chủ đề được nhắc đến liên tục trong thời gian qua. Hoa Kỳ đang tranh luận về gói cơ sở hạ tầng nghìn tỷ USD, trong khi Singapore vừa qua đã thông báo sẽ huy động hàng tỷ USD trên thị trường vốn nhằm củng cố cơ sở hạ tầng quốc gia.
Như vậy, không có gì ngạc nhiên khi Việt Nam, một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, cũng tập trung phát triển cơ sở hạ tầng. Tháng trước, Bộ Giao thông vận tải đã công bố dự thảo về quy hoạch mạng lưới đường bộ. Theo đó nhu cầu đầu tư vào cơ sở hạ tầng khoảng 65 tỷ USD, bao gồm việc xây dựng 5.000 km đường cao tốc, cảng nước sâu Hải Phòng, các tuyến đường sắt cao tốc chạy dọc tuyến giao thông huyết mạch bắc - nam và hoàn thành sân bay quốc tế Long Thành cách TP. HCM khoảng 40 km.
Về cơ bản, Việt Nam có đà tăng trưởng nhanh chóng, đồng thời Nhà nước không ngừng nỗ lực hỗ trợ trong phát triển cơ sở hạ tầng nhằm duy trì tốc độ phát triển. Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam đang tập trung vào 3 yếu tố chính: đầu tư, sản xuất và xuất khẩu.
Cụ thể, đầu tư đổ vào các khu vực đáp ứng các yếu tố như: nguồn cung lao động lớn, khu vực tập trung các hoạt động sản xuất, chế biến hoặc xuất khẩu sản phẩm đem lại giá trị gia tăng cao. Mô hình này cũng tương tự như cách Hàn Quốc hay Singapore trở thành quốc gia có thu nhập cao. Tính đến nay, Việt Nam đã áp dụng mô hình này tương đối hiệu quả khi quốc gia này có dòng vốn đầu tư lớn, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh và ổn định kinh tế vĩ mô.
Điều quan trọng nhất đối với mô hình phát triển này, đặc biệt trong giai đoạn mở rộng quy mô, chính là khả năng cơ sở hạ tầng giao thông có thể đáp ứng nhu cầu khi khối lượng thương mại đang gia tăng nhanh chóng. Khi năng lực sản xuất tăng lên, kết nối giữa đường bộ và đường sắt cần tốt hơn để vận chuyển hàng hóa ở khắp mọi nơi, đồng thời sân bay và cảng biển cũng phải lớn hơn để xử lý lượng hàng hóa xuất nhập khẩu ngày càng tăng.
Điển hình như vừa qua, hãng công nghệ Hàn Quốc LG Display đã tuyên bố đầu tư thêm 750 triệu USD vào hoạt động của công ty tại thành phố Hải Phòng. Việc rót vốn này giúp LG Display nâng giá trị khoản đầu tư ban đầu tại Hải Phòng lên con số 3,25 tỷ USD. Đây cũng là lý do việc nâng cao năng lực của cảng là ưu tiên lớn trong quy hoạch tổng thể đến năm 2030.
Điều này tất nhiên không có gì mới. Điểm đáng chú ý ở đây là quy mô và các chiến lược tài trợ. Nghiên cứu Chiến lược phát triển giao thông vận tải bền vững ở Việt Nam do Chính phủ công bố năm 2000 cũng đã có khuyến nghị tương tự, tập trung vào phát triển hành lang vận tải đường bộ theo hướng bắc - nam và mở rộng các cảng vận tải biển quốc tế.
Báo cáo ước tính, tổng chi phí từ năm 2000 đến năm 2010 là 12,6 tỷ USD, phần lớn từ vốn ODA (hỗ trợ phát triển chính thức). Đến năm 2010, báo cáo thứ hai được công bố, ước tính chi phí tối thiểu cho cơ sở hạ tầng giao thông quốc gia từ năm 2009 đến năm 2020 là 40,7 tỷ USD. Báo cáo lần này tập trung vào vai trò của khu vực tư nhân nhiều hơn, ít phụ thuộc hơn vào vốn ODA, phản ánh bối cảnh kinh tế ngày càng phát triển của Việt Nam.
Đặc biệt, dự thảo về quy hoạch mạng lưới đường bộ mới đây cũng tiếp tục đẩy mạnh vai trò của khu vực tư nhân, với ước tính chi phí khoảng 65 tỷ USD. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đề xuất việc "xem xét phương án phát hành trái phiếu chính phủ để phát triển hạ tầng giao thông".
Nhìn chung, khi nguồn lực kinh tế ngày càng lớn hơn, chi phí và mức độ phức tạp của các dự án cơ sở hạ tầng của ngày càng leo thang, đòi hỏi năng lực xử lý vấn đề về nhu cầu và nguồn tài chính dài hạn cũng sẽ cao hơn.
Tham khảo: The Diplomat
Trong kỳ điều hành chiều 19/12, giá các loại xăng dầu trong nước đồng loạt tăng, trong đó xăng RON95 tăng mạnh nhất.