Tập đoàn Hòa Phát hướng tới phát triển đa ngành, phủ rộng cả nước
Đa dạng hóa lĩnh vực hoạt động, Tập đoàn Hoà Phát đang hướng tới đầu tư thêm khu công nghiệp, phát triển các đại đô thị, dự án nhà ở, chăn nuôi quy mô lớn...
Hòa Phát là tập đoàn sản xuất công nghiệp hàng đầu Việt Nam. Khởi đầu từ một công ty chuyên buôn bán các loại máy xây dựng từ tháng 8/1992, Hòa Phát lần lượt mở rộng sang các lĩnh vực nội thất (1995), ống thép (1996), thép xây dựng (2000), điện lạnh (2001), bất động sản (2001).
Năm 2007, Hòa Phát tái cấu trúc theo mô hình tập đoàn, trong đó Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát giữ vai trò là công ty mẹ cùng các công ty thành viên. Ngày 15/11/2007, Hòa Phát chính thức niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam với mã chứng khoán HPG.
Hiện nay, Tập đoàn hoạt động trong 5 lĩnh vực: gang thép (gồm thép xây dựng, thép cuộn cán nóng) - sản phẩm thép (gồm ống thép, tôn mạ, thép rút dây, vỏ container, thép dự ứng lực) - nông nghiệp - bất động sản - điện máy gia dụng. Sản xuất thép là lĩnh vực cốt lõi chiếm tỷ trọng 90% doanh thu và lợi nhuận toàn Tập đoàn. Với công suất 8,5 triệu tấn thép thô/năm, Hòa Phát là doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Tập đoàn giữ thị phần số 1 Việt Nam về thép xây dựng, ống thép, Top 5 nhà sản xuất tôn mạ lớn nhất Việt Nam.
Có thể nói, năm 2022 là một năm khó khăn với ngành thép nói chung và Tập đoàn Hòa Phát nói riêng. Hòa Phát ghi nhận 142.771 tỷ đồng doanh thu và đạt lợi nhuận ròng 8.444 tỷ đồng, sụt giảm lần lượt 5% và 76% so với năm 2021. Tổng nộp ngân sách Nhà nước trong năm đạt 11.200 tỷ đồng. Trong đó, 3 tỉnh Hòa Phát có đóng góp ngân sách nhiều nhất là Quảng Ngãi, Hưng Yên và Hải Dương.
Doanh thu năm 2022 đạt 89% kế hoạch đề ra, giảm 5% so với năm 2021 và tiếp tục là năm có doanh số trên 6 tỷ USD. Trong đó, thép đóng góp 94% doanh thu toàn Tập đoàn. Doanh thu của lĩnh vực thép giảm 4% do nhu cầu thị trường cùng với giá bán thép giảm so với cùng kỳ. Doanh thu lĩnh vực bất động sản giảm 59%. Lợi nhuận năm 2022 đạt 34% kế hoạch và giảm 76% so với cùng kỳ 2021, trong đó lĩnh vực tạo nên sự sụt giảm này chủ yếu là do ngành thép giảm 76% lợi nhuận và nông nghiệp giảm 92% lợi nhuận so với cùng kỳ.
Năm 2022, ngành thép suy giảm cả về doanh thu và lợi nhuận do gặp phải nhiều khó khăn khi giá thép thế giới lao dốc tạo sức ép lên giá thép trong nước. Bên cạnh đó, xung đột Nga - Ukraine cùng với suy thoái hậu COVID dẫn đến nhu cầu tiêu thụ thép của thế giới sụt giảm gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu thép, làm tăng nguồn cung trong nước.
Thêm vào đó, thị trường bất động sản Việt Nam ảm đạm vào nửa cuối năm 2022 khiến nhu cầu tiêu thụ thép trong nước giảm so với cùng kỳ. Dù vậy, lĩnh vực thép (bao gồm gang thép và sản phẩm thép) vẫn tiếp tục đóng vai trò chủ đạo và khẳng định là mảng kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của mảng này lần lượt chiếm 94% và 95% của toàn Tập đoàn.
Lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn đạt 34% kế hoạch đề ra, giảm 76% so với cùng kỳ 2021 khi đạt được 8.444 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu thuần năm 2022 đạt 6%.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, với kết quả kinh doanh kém hơn so với năm 2021, 8 thành viên HĐQT của Hòa Phát nhận 0 đồng (8 thành viên HĐQT nhận 118 tỷ đồng thù lao trong năm 2021). HĐQT của Hòa Phát gồm Chủ tịch Trần Đình Long, 3 Phó Chủ tịch, 3 thành viên HĐQT và 1 phụ trách quản trị.
Mặc dù Hòa Phát giảm chi hơn 118 tỷ đồng cho thù lao HĐQT, nhưng chi lương và thưởng cho Ban Giám đốc tăng từ 3,89 tỷ đồng năm 2021 lên 5,26 tỷ đồng năm 2022, tương đương tăng 35%. Ban Giám đốc Hòa Phát hiện có 4 người, bình quân mỗi người nhận 1,3 tỷ đồng lương và thưởng trong năm ngoái, tương đương 110 triệu đồng/tháng.
Con số đó chỉ ở mức trung bình so với các doanh nghiệp niêm yết lớn hiện nay và thấp hơn nhiều so với những doanh nghiệp hàng đầu như Vingroup hay Masan.
Ngoài ra, tổng thù lao, lương và thưởng cho các thành viên Ban Kiểm soát cũng tăng lên 2,24 tỷ đồng và chi cho các cán bộ quản lý chủ chốt khác là 2,6 tỷ đồng.
Năm 2022, tổng sản lượng các loại phôi thép, thép xây dựng, thép cuộn cán nóng đạt 7,24 triệu tấn, giảm 7% so với 2021. Trong đó, Hòa Phát cung cấp ra thị trường 2,63 triệu tấn HRC. Thép xây dựng Hòa Phát tiếp tục duy trì thị phần số 1 trên thị trường với sản lượng hơn 4,2 triệu tấn. Thị phần thép xây dựng đã được nâng lên từ 32,6% cuối năm 2021 lên 34,8% cuối năm 2022.
Sản lượng ống thép Hòa Phát đạt gần 750.000 tấn, tăng khoảng 11% so với năm 2021. Mặt hàng Tôn Hòa Phát đạt 328.000 tấn, về lượng giảm 23% so với cùng kỳ, nhưng sản lượng bán hàng tại thị trường nội địa tăng khoảng 21% so với năm 2021. Thị phần ống thép vẫn tiếp tục là số 1 với 28,5%. Tôn Hòa Phát vững vàng trong Top 5 doanh nghiệp có thị phần lớn nhất.
Năm 2022, lĩnh vực nông nghiệp của Tập đoàn chiếm tỷ trọng doanh thu 5%. Lợi nhuận lĩnh vực này sụt giảm mạnh so với năm 2021 do ảnh hưởng của suy thoái hậu COVID làm giảm sức tiêu thụ của thị trường. Trong khi đó chi phí đầu vào tăng cao do nhiều nguyên nhân, điển hình là nông sản thế giới đã được thiết lập mặt bằng giá mới do xung đột tại Ukraine, chính sách Zero COVID của Trung Quốc, lạm phát tăng cao ở Mỹ, châu Âu và nhiều nước trên thế giới, đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, nguy cơ mất ổn định an ninh năng lượng, an ninh lương thực cao. Đầu năm giá heo, trứng và bò đều giảm mạnh, khôi phục lại trong quý 2 và 3, sau đó quay đầu giảm vào quý 4.
Đặc biệt, thị trường bò Úc suy giảm mạnh do Trung Quốc đóng cửa biên giới trong thời gian dài. Bò các loại kể cả bò không chính ngạch (không tuân theo mô hình chăm sóc chuẩn quốc tế, không tiêm phòng, giá rẻ...) quay lại cạnh tranh tại thị trường tiêu thụ ở Việt Nam, dẫn tới bò Úc ở phân khúc giá trung bình cao gặp nhiều khó khăn. Thực tế, sản lượng bán hàng bò Úc nguyên con chỉ đạt gần 28.000 con, giảm 45% so với 2021.
Sản lượng cám tiêu thụ 332.000 tấn, tăng 13% so với cùng kỳ 2021, trong đó dùng nội bộ tại các trại của Hòa Phát là 159.000 tấn chiếm 48%. Mảng chăn nuôi heo, sản lượng xuất chuồng gần 404.000 đầu heo, trong đó heo thành phẩm 352.000 con, tăng 22% so với cùng kỳ 2021, chỉ tiêu sản xuất đứng trong Top đầu của ngành chăn nuôi. Hòa Phát tập trung cung cấp heo giống thương phẩm, heo thịt chất lượng cao ra thị trường từ các trang trại ở Yên Bái, Hòa Bình, Thái Bình, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hưng Yên, Bình Phước.
Trong năm, Tập đoàn đã cung cấp ra thị trường gần 265 triệu quả trứng gà, trung bình hơn 850.000 quả/ngày, dẫn đầu về sản lượng cung cấp trứng gà sạch tại miền Bắc. Hòa Phát hiện đang cung cấp 50.000 - 60.000 quả trứng gà sạch mỗi ngày vào hơn 100 siêu thị, cửa hàng.
Lĩnh vực bất động sản hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế so với kế hoạch được giao. Các khu công nghiệp Hòa Phát đạt tỷ lệ lấp đầy gần như toàn bộ diện tích đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Năm 2023, Hòa Phát sẽ đầu tư thêm hạ tầng kỹ thuật dự án Khu công nghiệp Yên Mỹ II mở rộng với diện tích quy hoạch 216ha, đáp ứng nhu cầu cao về thuê đất khu công nghiệp hiện nay.
Kế hoạch trong 10 năm tới, Tập đoàn sẽ phát triển 10 khu công nghiệp bao gồm cả các khu công nghiệp hiện nay đang có. Đối với mảng dự án nhà ở - khu đô thị, Tập đoàn sẽ tập trung phát triển các đại đô thị diện tích từ 300-500ha, đóng góp vào quá trình đô thị hóa các khu dân cư hiện hữu của địa phương. Các dự án bất động sản nhà ở - khu đô thị đang được nghiên cứu và nộp hồ sơ đăng ký thực hiện.
Năm vừa qua, hoạt động xuất khẩu đóng góp một phần quan trọng trong tổng sản lượng. Doanh thu từ xuất khẩu đạt hơn 31.500 tỷ đồng chiếm 22% tổng doanh thu năm 2022 toàn Tập đoàn. Mặc dù nhu cầu tiêu thụ thép trên thị trường thế giới sụt giảm, sản lượng xuất khẩu phôi thép và thép xây dựng của Hòa Phát vẫn đạt 1,2 triệu tấn. Thị trường xuất khẩu thép dài rất đa dạng với gần 30 quốc gia, vùng lãnh thổ như Mỹ, Canada, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Bỉ, Hong Kong (Trung Quốc)… Sản phẩm ống thép, tôn mạ đạt 190.000 tấn sang nhiều nước tại châu Á, châu Âu và châu Mỹ.
Nhật HàGiá xăng đồng loạt tăng từ 15h hôm nay (16/1), sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính.