Tập đoàn tài chính đầu tư dự án Thành phố thông minh Bắc Hà Nội 4,2 tỷ USD: Một trong tứ đại tài phiệt zaibatsu của Nhật Bản
Dự án Thành phố thông minh Bắc Hà Nội tại huyện Đông Anh, trị giá 4,2 tỷ USD, do BRG và Sumitomo làm chủ đầu tư sẽ khởi công từ giữa năm 2022.
Chiều ngày 23/3/2022, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã tiếp Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio, đại diện Tập đoàn Sumitomo và Công ty cổ phần Tập đoàn BRG để trao đổi về dự án Thành phố thông minh phía Bắc Hà Nội.
Dự án Thành phố thông minh Bắc Hà Nội (BRG Smart City Sumitomo) có diện tích 272 ha, tọa lạc tại 3 xã thuộc huyện Đông Anh. Dự án được lập dựa trên quy hoạch đô thị thông minh dọc trục Nhật Tân – Nội Bài.
Dự kiến đến năm 2028, Thành phố thông minh Bắc Hà Nội sẽ hoàn thành toàn bộ 5 giai đoạn. 6 tính năng thông minh của dự án bao gồm: năng lượng thông minh, giao thông thông minh, học tập thông minh, quản trị thông minh và kinh tế thông minh
Trong số 2 nhà đầu tư lớn của dự án lần này, Sumitomo là một cái tên khá quen thuộc.
Nhìn lại lịch sử, Sumitomo xuất phát là một tập đoàn công nghiệp, nằm trong bốn zaibatsu (cùng với Mitsubishi, Yashuda và Mitsui) chi phối kinh tế Nhật Bản trước Thế chiến II. Zaibatsu là một thuật ngữ của Nhật Bản, chỉ các tập đoàn kinh doanh tài chính - công nghiệp hàng đầu tại Nhật Bản, có tầm ảnh hưởng và quy mô lớn, cho phép họ kiểm soát những phần quan trọng của nền kinh tế Nhật Bản từ thời Minh Trị cho đến khi kết thúc Thế chiến II.
Đến khi thế chiến kết thúc, Sumitomo và các zaibatsu khác bị giải thể, buộc tập đoàn phải cải tổ thành một keiretsu. Mô hình mới này là một tập đoàn gồm các công ty con hoạt động dựa vào Ngân hàng Sumitomo (sau này là Tập đoàn ngân hàng Sumitomo Mitsui - SMBC), ràng buộc với nhau dưới hình thức sở hữu chéo.
Năm 2001, SMBC chính thức ra đời dưới sự bắt tay của hai zaibatsu là Sumitomo và Mitsui. Một năm sau, SMBC trở thành công ty con thuộc sở hữu của Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui (SMFG).
Sớm nhận ra tầm quan trọng của công nghệ trong ngành tài chính, SMBC là một trong những ngân hàng đi đầu trong lĩnh vực này. Vào năm 2014, SMBC trở thành ngân hàng Nhật Bản đầu tiên ứng dụng AI vào các hệ thống hỗ trợ nội bộ. Năm 2016, công nghệ này được mở rộng để hỗ trợ phân khúc khách hàng doanh nghiệp. Hiện nay, SMBC là ngân hàng lớn thứ 13 trên thế giới tính theo tổng tài sản và đang có hoạt động kinh doanh tại 41 quốc gia trên toàn thế giới.
Tính đến nay, Tập đoàn Sumitomo có mặt tại 65 quốc gia với hơn 75.000 nhân viên trên toàn cầu. Tổng tài sản của tập đoàn lên tới 74,4 tỷ USD. Doanh thu của Sumitomo trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31/3/2021 rơi vào khoảng 48 tỷ USD.
Tập đoàn cũng bắt tay các tổ chức tài chính liên kết ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, để mở rộng kinh doanh bán lẻ và cung cấp các giải pháp ngân hàng số dựa trên công nghệ hiện có của SMBC.
Trong số đó có thể kể đến thương vụ SMBC đầu tư 225 triệu USD vào Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Eximbank để sở hữu 15% vốn điều lệ từ hơn 14 năm trước. Tuy nhiên, vì những vấn đề nội bộ mà khoản đầu tư của SMBC trong suốt hơn một thập kỷ xét theo giá trị thị trường không tăng như kỳ vọng. Vì thế, tháng 2/2022, thỏa thuận liên minh chiến lược giữa 2 ngân hàng đã chấm dứt. Chưa dừng lại ở đó, cuối năm 2021, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng VPB chính thức bán 49% cổ phần FE Credit cho SMBC.
Ngoài các thương vụ kể trên, Sumitomo còn đầu tư vào mảng bảo hiểm của Việt Nam thông qua thương vụ đầu tư và M&A giữa Sumitomo Life và Tập đoàn Tài chính - Bảo hiểm Bảo Việt. Hiện, tỷ lệ nắm giữ cổ phần của Sumitomo Life tại Bảo Việt lên tới 22,09%, là cổ đông tổ chức lớn thứ 2 của Bảo Việt, chỉ sau Bộ Tài chính.
Hoàng AnhKhông khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.