Tập trung đầu tư công nghệ chế biến để rau quả Việt vươn xa

Kinh doanh
09:11 AM 09/07/2022

Ngành rau quả Việt Nam chủ yếu vẫn xuất tươi hơn 76%, tỷ lệ chế biến rất khiêm tốn, trong khi người tiêu dùng thế giới ngày càng có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm rau quả chế biến.

Doanh nghiệp còn yếu trong chế biến rau quả

Trong những năm qua, việc ưu tiên tập trung vào mũi nhọn rau, quả đang được quan tâm. Khi vươn mình sản xuất hàng hóa lớn phục vụ xuất khẩu vào các thị trường xa, yêu cầu cao như EU, Mỹ... hơn lúc nào hết mũi nhọn này cần được tiếp tục đẩy mạnh. 

Theo ước tính, sản lượng rau quả Việt Nam hàng năm đạt 31 triệu tấn nhưng tỷ lệ chế biến chỉ đạt khoảng 12-17%. Ngành chế biến rau quả chỉ mới đáp ứng khoảng 8-10% sản lượng rau quả hàng năm.

Cởi "nút thắt" để xuất khẩu rau quả chế biến phát triển - Ảnh 1.

Thị trường rau quả chế biến còn nhiều "nút thắt". Ảnh: Tạp chí Tài chính

Sản phẩm rau quả là sản phẩm đặc thù của nền nông nghiệp nhiệt đới, có tính mùa vụ, bảo quản khó khăn. Hiện nay, chúng ta có 153 cơ sở chế biến rau, củ, quả, trong khi phải giải quyết 28 triệu tấn sản phẩm rau củ quả/năm, đây là điều không hề đơn giản.

Tại Diễn đàn trực tuyến "Đa dạng hóa sản phẩm rau quả chế biến, bảo quản gắn với yêu cầu của thị trường tiêu thụ", ông Ngô Quang Tú, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, chỉ ra một trong những nút thắt cần sớm được tháo gỡ là bản thân doanh nghiệp vẫn chưa thể vượt qua được những điểm yếu nội tại do nguồn lực hạn chế, thiếu đầu tư chế biến sâu, không đa dạng thị trường…, và nỗi lo nhất chính là chấp nhận an phận với “sức ì” thay vì phải thay đổi để tốt hơn. Đây là điểm yếu chung của nhiều doanh nghiệp nội địa thuộc dạng nhỏ và vừa trong ngành hàng chế biến trái cây.

Ngoài ra, doanh nghiệp chế biến rau quả thiếu vốn sản xuất (hơn 80% số cơ sở có quy mô dưới 2 tỷ đồng); khó khăn về mặt bằng sản xuất, bảo quản sau thu hoạch kém...

Cởi "nút thắt" để xuất khẩu rau quả chế biến phát triển - Ảnh 2.

Cần sớm tháo gỡ điểm nghẽn của thị trường rau quả chế biến. Ảnh: Tạp chí Kinh doanh

Nâng cao tỷ lệ chế biến để thúc đẩy xuất khẩu

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hạ tầng chế biến tại nhiều địa phương còn nhiều khó khăn thì hệ thống bảo quản và sấy nông sản đa năng cũng là một giải pháp. Và điều quan trọng nhất đó là giảm áp lực tiêu thụ trái tươi.

Tại diễn đàn, nhiều doanh nghiệp đã giới thiệu những công nghệ chế biến để tạo ra những sản phẩm nông sản chế biến mới, phù hợp với quy mô sản xuất nhỏ tại các hợp tác xã.

Như Công ty CP Nông lâm nghiệp Cánh Đồng Vàng đang có công nghệ sấy đa năng, giúp đa dạng hóa thị trường, thời gian tiêu thụ cho một số sản phẩm như mít, xoài ở dạng sấy dẻo. Điểm đáng lưu ý nhất của Cánh Đồng Vàng, đó là công nghệ sấy được chở bằng container, và có thể lưu động qua các khu vực, thậm chí đến được nhiều vùng sâu, vùng xa. Hàng nông sản thu hoạch đến đâu có thể được chế biến tại chỗ đến đó.

Ông Nông Ngọc Trung, Chủ tịch Công ty CP Nông lâm nghiệp Cánh Đồng Vàng cho biết: "Công nghệ của chúng tôi được nhiều bạn hàng tại Đức, Hà Lan, Australia… đón nhận và đánh giá cao". Nhờ công nghệ sấy tách nước khử khuẩn tiên tiến, Công ty Cánh Đồng Vàng có thể sấy được 5-7 tấn nông sản trong một mẻ. Thời gian tới, doanh nghiệp sẽ phổ biến, chuyển giao, đẩy mạnh công nghệ chế biến sâu vào miền Nam cho thanh long tại Bình Thuận, hay xoài tại Đồng Tháp.

Hay Công ty Sasaki Việt Nam chuyên cung cấp các công nghệ sấy bằng điện lạnh đang là xu hướng mới mang lại chất lượng sản phẩm cao hơn với chi phí sản xuất thấp và thân thiện với môi trường. Thời gian qua, Sasaki đã hỗ trợ HTX, nông dân, doanh nghiệp vừa nhỏ phát triển các sản phẩm phù hợp, tập trung đáp ứng nhu cầu thị trường.

Để cùng đồng hành, nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ với khách hàng, Sasaki đặt ra quy trình tiếp cận từ tiếp xúc, nắm bắt thông tin hiện trạng sản xuất, và mong muốn của khách hàng; xác định rõ mục tiêu phát triển sản phẩm bằng lượng hóa và tiêu chuẩn rõ ràng; phân tích kỹ thuật đặc điểm lý hóa để vạch ra kế hoạch sơ chế; cung cấp quy trình sấy thử nghiệm để đưa ra phương án tối ưu cho khách hàng và cung cấp thiết bị sấy, thiết bị nằm trong dây chuyền sản xuất để cho ra sản phẩm cuối.

Theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch: "Chúng ta hoàn toàn có thể nâng cao tỷ lệ chế biến và có thể đáp ứng được nhu cầu về đa dạng hóa sản phẩm rau quả chế biến. Để nâng sản lượng rau quả chế biến lên gấp đôi trong những năm tới, cần đầu tư công nghệ phù hợp", ông Tuấn nhấn mạnh.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn