Tập trung phòng dịch, nhiều DN bán lẻ và FMCG ngừng tuyển dụng
Khá nhiều khách hàng trong ngành Hàng Tiêu dùng và Bán lẻ hoãn tuyển dụng, ngừng tuyển dụng và chưa tuyển trong Quý 4/2021, báo cáo của Navigos Group cho biết.
Navigos Group vừa công bố thông tin về nhu cầu tuyển dụng nhân sự trung và cao cấp tại thị trường Việt Nam thông qua nhu cầu tuyển dụng của các khách hàng đối với Navigos Search trong Quý 3/2021 và dự báo xu hướng tuyển dụng trong Quý 4/2021 và đầu năm 2022.
Theo đó, đang có bức tranh tuyển dụng trái chiều giữa các lĩnh vực khác nhau.
Cụ thể, với ngành Hàng Tiêu dùng nhanh và Bán lẻ, nhiều doanh nghiệp sẽ hoãn tuyển dụng và ngừng tuyển trong Quý 4/2021.
Có khá nhiều khách hàng trong ngành Hàng Tiêu dùng và Bán lẻ hoãn tuyển dụng, ngừng tuyển dụng và chưa tuyển trong Quý 4/2021. Nguyên nhân chủ yếu do doanh nghiệp tập trung phòng chống dịch bệnh nên hoạt động sản xuất, kinh doanh bị gián đoạn hoặc chỉ duy trì ở mức thấp.
Các ứng viên trong mảng này do ảnh hưởng bởi Covid nên không cởi mở với các cơ hội mới nhằm đảm bảo sự an toàn trong công việc. Chính vì vậy, thị trường cũng vẫn khan hiếm ứng viên tiềm năng cho các vị trí đang cần tuyển.
Trong Quý 4, các doanh nghiệp trong ngành Bán lẻ đang dần mở cửa trở lại, dự báo nhu cầu tuyển dụng có chiều hướng tăng nhẹ vào đầu năm 2022. Các doanh nghiệp trong ngành Hàng Tiêu dùng mảng thương mại vẫn đang tuyển dụng, tuy nhiên dự báo Quý 4 nhu cầu tuyển dụng có thể giảm nhẹ so với Quý 3.
Ngành điện - điện tử, cơ khí và đồ gỗ khu vực phía Nam giảm 70% nhu cầu tuyển dụng do nhà máy phải đóng cửa tạm thời.
Do dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh mẽ ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận nên các doanh nghiệp trong mảng Điện – Điện tử, Cơ khí và Sản xuất đồ gỗ gặp rất nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp muốn duy trì hoạt động thì cần phải thực hiện chính sách 3T mà chính sách này dẫn đến các tốn kém về chi phí, thành ra có nhiều doanh nghiệp lựa chọn việc đóng cửa tạm thời để khi dịch bệnh được kiểm soát sẽ mở cửa trở lại.
Đối với các doanh nghiệp vẫn hoạt động thì họ tập trung vào việc thực hiện 3T nên không tập trung vào tuyển dụng nữa. Theo quan sát của Navigos Search, các doanh nghiệp trong mảng này đã giảm 70% nhu cầu tuyển dụng nhân sự so với cùng kỳ quý 3/2020. Dự báo trong 6 tháng tới, các ngành Điện – Điện tử có thể phục hồi trở lại với điều kiện dịch bệnh đã được kiểm soát, tuy nhiên với tốc độ chậm vì các đơn hàng sản xuất của quý 4/2021 đã được chuyển sang các nước khác.
Ở bức tranh ngược lại, các ngân hàng đang chạy đua chuyển đổi số nên nhu cầu tuyển dụng nhân sự chất lượng cao vẫn tăng.
Không chỉ các ngân hàng có quy mô lớn, các ngân hàng nhỏ hơn và một số công ty chứng khoán cũng đã lên kế hoạch và đầu tư cho việc chuyển đổi, thành lập các Ban Dự án/Khối Chuyển đổi. Theo đó, nhu cầu nhân sự các cấp cho các vị trí Công nghệ thông tin, Chuyển đổi số vẫn tiếp tục tăng cao, đặc biệt là các vị trí phát triển ứng dụng, phát triển công nghệ, quản trị chuyển đổi, quản trị và phân tích dữ liệu, marketing và kinh doanh trên nền tảng số.
Dự báo của Navigos Search cho thấy cuộc chạy đua về chuyển đổi số này vẫn đang tiếp diễn đối với các ngân hàng, các công ty có nguồn lực và chiến lược bền vững nên nhu cầu đối với các nhân sự chất lượng cao nói trên vẫn tăng.
Nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành Điện tử vẫn tiếp tục đầu tư hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam thông qua các dự án lớn, trong đó có các dự án xây các trung tâm nghiên cứu (Research & Development – R&D) lớn. Bắc Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Thanh Hóa và Đà Nẵng tiếp tục trở thành các địa phương nhận được các đầu tư rất lớn từ các dự án FDI này.
Một số các doanh nghiệp tại phía Bắc trong mảng này do có các phương án phòng chồng Covid hiệu quả nên vẫn duy trì được hoạt động sản xuất tốt, thậm chí có sự tăng trưởng nhẹ do nhận được nhiều đơn hàng sản xuất được chuyển về từ các chi nhánh khác đang bị ảnh hưởng bởi Covid. Bên cạnh đó, thị trường cũng quan sát thấy nhu cầu tuyển dụng lớn các ứng viên biết tiếng Trung do có sự dịch chuyển của các doanh nghiệp từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Bình AnTheo các chuyên gia, để duy trì và phát huy vai trò trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam cần áp dụng các chính sách đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp nội địa kết nối với doanh nghiệp FDI, đặc biệt là nâng cấp năng lực doanh nghiệp để đáp ứng các yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu.