Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
Chiều 13/4, tại tỉnh Phú Yên, Tổ công tác số 2 của Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến làm việc với các tỉnh, thành phố để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa có đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành chức năng.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại hội nghị nêu rõ: Tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao cho 13 địa phương thuộc Tổ công tác số 2 gồm: TP Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa là 129.478,545 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách Trung ương là 34.844,499 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 94.634,046 tỷ đồng.
Tính đến ngày 10/4/2023, tổng số vốn đã giải ngân của 13 địa phương là 13.803,505 tỷ đồng (3.136,171 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương và 10.667,334 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương), đạt 10,66% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm.
Trong đó, 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức bình quân cả nước gồm: Thừa Thiên Huế (18,46%); Nghệ An (13,22%); Quảng Ngãi (13,03%); Thanh Hóa (12,69%); Hà Nội (11,75%); Bình Định (11,01%). 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức bình quân cả nước gồm: Hà Tĩnh (9,78%); Quảng Bình (9,26%); Quảng Nam (7,68%); Phú Yên (6,42%); Quảng Trị (6,05%); Khánh Hòa (5,06%) và Đà Nẵng (3,62%).
Cũng theo báo cáo, có 6 địa phương dự kiến khả năng giải ngân cả năm đạt 100% kế hoạch gồm: Thanh Hóa, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa; 6 địa phương dự kiến khả năng giải ngân trên 95% kế hoạch là: Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Bình Định và 1 địa phương dự kiến giải ngân dưới 95% là tỉnh Quảng Nam.
Trên cơ sở nội dung báo cáo cũng như từ thực tiễn của mỗi địa phương, thảo luận tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã phân tích làm rõ thêm những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công. Đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc kéo dài thời gian bố trí vốn các dự án thuộc thẩm quyền quyết định ngân sách cấp huyện, xã; công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; việc thực hiện các dự án đầu tư công sử dụng nguồn vốn thu từ tiền sử dụng đất…
Tại điểm cầu Thanh Hóa, phát biểu thảo luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh: Xác định việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, tạo động lực cho tăng trưởng nền kinh tế, vì vậy ngay từ những ngày đầu năm 2023, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Thanh Hóa đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương, các chủ đầu tư triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, biện pháp để thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Do đó, tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023 của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Tính đến hết ngày 11/4/2023 cả tỉnh đã giải ngân được 1.587,3 tỷ đồng, đạt 12,7% kế hoạch.
Qua đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn cũng nêu lên một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh, đồng thời đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kéo dài thời gian giải ngân vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để phù hợp với thực tế triển khai và giảm áp lực giải ngân năm 2023; đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chức năng sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia để các địa phương làm căn cứ triển khai thực hiện.
Tuy khó khăn nhưng, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa vẫn quyết tâm, cương quyết trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh nhằm tạo động lực cho sự phát triển cũng như đáp ứng yêu cầu, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh vai trò của nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và cả nước. Từ ý nghĩa, vai trò đó, cùng với thực tiễn triển khai tại các địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các địa phương tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung khắc phục mọi khó khăn, vướng mắc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công theo yêu cầu và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng Chính phủ phân tích, làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến khó khăn, vướng mắc mà các địa phương nêu tại hội nghị và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động, linh hoạt thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Đối với các địa phương có tiến độ giải ngân tốt ngay từ đầu năm, cần tiếp tục duy trì để đảm bảo giải ngân hết kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao. Đối với địa phương có tiến độ giải ngân thấp, vẫn còn dư địa, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, lãnh đạo địa phương cần bám sát tình hình để kịp thời chỉ đạo, điều chỉnh kế hoạch, đảm bảo tiến độ giải ngân.
Tại hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Minh Tuấn tiến hành giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, từng đơn vị yêu cầu các sở, ngành chức năng tiếp tục sát sao, đôn đốc các đơn vị, địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục, hồ sơ các dự án làm căn cứ để giao vốn.
Đồng thời đề nghị các đơn vị, địa phương rà soát lại việc triển khai thực hiện các dự án; thường xuyên bám sát tình hình thực tiễn, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc cho từng dự án, từng nhiệm vụ cụ thể. Đồng thời, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh theo từng tháng, trên cơ sở đó đánh giá thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp thực hiện kịp thời, hiệu quả nhiệm vụ này theo yêu cầu, kế hoạch đã đề ra.
Yến HoàngVNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.