Tây Ninh: Phát huy bản sắc văn hóa, hội nhập và phát triển
Ngày 10/12, tại Hội trường Tỉnh ủy, Tây Ninh đã long trọng tổ chức Đại hội các DTTS tỉnh Tây Ninh lần thứ IV, năm 2024 với chủ đề “Các dân tộc đoàn kết, dân chủ, đổi mới sáng tạo, phát huy bản sắc văn hóa, hội nhập và phát triển”.
Tây Ninh thuộc vùng Đông Nam Bộ, phía Đông giáp tỉnh Bình Dương, Bình Phước; phía Nam giáp TP Hồ Chí Minh và tỉnh Long An; phía Tây và phía Bắc giáp 3 tỉnh Svay Riêng, Tbong Khmum và Prey Veng của Vương quốc Campuchia. Tỉnh có đường biên giới dài khoảng 240 km, với 3 cửa khẩu Quốc tế, 3 cửa khẩu chính, 10 cửa khẩu phụ. Ngoài ra, tỉnh cũng là cầu nối trên trục xuyên á giữa TP Hồ Chí Minh và Thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia) qua Cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài.
Tây Ninh có diện tích tự nhiên 4.041,25 km2, có 6 huyện, 2 thị xã và 01 thành phố; 94 xã, phường, thị trấn. Trong đó, có 23 xã, phường có đông đồng bào các DTTS sinh sống. Dân số là 1.174.652 người (năm 2023), trong đó đồng bào DTTS là 20.835 người, chiếm 1,77% dân số. Toàn tỉnh có 21 DTTS đang sinh sống, đa số đồng bào DTTS sinh sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và đã tiếp cận khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cây trồng nên đời sống tương đối ổn định.
Nhiều công trình hạ tầng được đầu tư, góp phần thay đổi vùng DTTS
Giai đoạn 2019 - 2024, các chương trình, dự án, chính sách đối với đồng bào các DTTS luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức Chính trị - xã hội quan tâm chỉ đạo, thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, đảm bảo đúng mục tiêu và kế hoạch đề ra và đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, giảm nghèo nhanh, bền vững trong đồng bào DTTS.
Các công trình hạ tầng như giao thông, thủy lợi, trường học, trạm xá, điện được quan tâm đầu tư, đã góp phần thay đổi vùng DTTS. Các địa phương tạo điều kiện hỗ trợ đồng bào DTTS ổn định nơi ở, hỗ trợ sản xuất, cho vay vốn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, vươn lên thoát nghèo, ổn định an ninh vùng biên giới.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022 - 2030, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh triển khai thực hiện 7/10 Dự án thành phần của Chương trình với tổng kinh phí trên 46,4 tỷ đồng. Trong đó, đã thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị trạm cấp nước và trạm biến áp 3 pha 3x15KVA tại xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên đảm bảo việc cung cấp nước sạch tập trung cho gần 300 hộ dân Khmer tại ấp Hòa Đông A với kinh phí trên 3,3 tỷ đồng.
Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 40 hộ dân trên địa bàn xã Hòa Hiệp với kinh phí 120 triệu đồng. Xây dựng nhà hỏa táng và các công trình phụ trợ cho đồng bào dân tộc Khmer và cứng hóa đường Tổ 11, ấp Hòa Bình, xã Hòa Hiệp với tổng kinh phí trên 7,6 tỷ đồng. Hỗ trợ trang thiết bị cho Trạm Y tế xã Hòa Hiệp với tổng kinh phí 197,9 triệu đồng.
Nâng cấp cải tạo cơ sở vật chất công trình phụ trợ cho Trường PTDTNT tỉnh Tây Ninh với tổng kinh phí trên 7,7 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh đã thực hiện gói thầu mua sắm trang thiết bị cho Trường PTDTNT tỉnh phục vụ năm học 2023 - 2024 với kinh phí được giải ngân trên 1,4 tỷ đồng... Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, tỉnh thực hiện Dự án hỗ trợ chống xuống cấp di tích tháp cổ Chót Mạt (xã Tân Phong, huyện Tân Biên) và Tháp Bình Thạnh (xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng), thuộc hậu kỳ nền văn hóa Óc - Eo với kinh phí trên 4,6 tỷ đồng.
Hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi "bảo tồn và phát huy giá trị di sản Lễ hội Chol Chnam Thmay của người Khmer trên địa bàn tỉnh Tây Ninh gắn với phát triển du lịch cộng đồng", "Lễ cúng miếu - Lễ rước bông và tổ chức truyền dạy ngôn ngữ của người Tà Mun" và "văn hóa truyền thống dân tộc Thái tại xã Long Phước, huyện Bến Cầu" với kinh phí là 978 triệu đồng… Bên cạnh đó, tỉnh còn xây dựng và phát triển y tế cơ sở tại xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên với kinh phí là 54,95 triệu đồng.
Phát huy bản sắc văn hóa, hội nhập và phát triển
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được thiết kế phù hợp với việc phát triển KT-XH của địa phương. Các dự án, hoạt động của Chương trình đều hướng tới trực tiếp hỗ trợ cho người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, thoát nghèo bền vững, hỗ trợ địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Người nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực, có sinh kế, việc làm, thu nhập, chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững. Trong đó, chú trọng ưu tiên hỗ trợ phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người DTTS theo phương châm không để ai bị bỏ lại phía sau.
Trong giai đoạn 2019-2023, tỷ lệ hộ nghèo người DTTS đã giảm 88,24% (giảm 86 hộ), tỷ lệ hộ cận nghèo người DTTS giảm 55,14% (giảm 59 hộ cận nghèo). Qua đó cho thấy sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong chăm lo cải thiện và nâng cao đời sống cho hộ nghèo nói chung và người DTTS nói riêng. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh còn 2.083 hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều, tỷ lệ 0,65%; trong đó, có 16 hộ nghèo, 48 hộ cận nghèo là đồng bào DTTS. Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã vận động để tổ chức các hoạt động chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn như xây nhà Đại đoàn kết, Mái ấm công đoàn, Mái ấm tình thương, hỗ trợ cây, con giống, khám sức khỏe… với tổng số tiền hơn 354 tỷ đồng.
Triển khai Quyết định 45/QĐ-TTg ngày 09/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc "Cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn" giai đoạn 2019 - 2021 và Quyết định 752/QĐ-TTg ngày 23/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc đặt hàng cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
Tỉnh đã cấp phát đến các đối tượng thụ hưởng với số lượng là 100.191 đầu báo, tạp chí các loại. Ngoài ra, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã tổ chức tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được 1.072 cuộc với 25.905 lượt người dự.
Các chính sách về cấp thẻ BHYT, khám và chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, miễn giảm viện phí, miễn phí thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Các chính sách về giáo dục cho người DTTS, luôn quan tâm xây dựng cơ sở vật chất và tạo mọi điều kiện để con em các DTTS được đến trường.
Bên cạnh việc nâng cao đời sống vật chất, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào DTTS cũng được chú trọng. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được triển khai rộng khắp. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa DTTS được quan tâm, nhiều phong tục, tập quán của đồng bào DTTS được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng...
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông cho rằng, Đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Tây Ninh luôn có truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau và giàu lòng yêu nước, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, ra sức cống hiến trong học tập, công tác, lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đánh giá, giai đoạn 2019-2024, tỉnh Tây Ninh đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện, kết cấu hạ tầng ngày càng phát triển, hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH của địa phương; đời sống đồng bào các DTTS không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS giảm nhanh qua các năm, lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế và môi trường đã có những chuyển biến mạnh mẽ. An ninh chính trị, TTATXH được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc tiếp tục được củng cố và tăng cường.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng đề nghị, cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội cần tiếp tục nghiên cứu, nâng cao nhận thức sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, đại đoàn kết dân tộc và chính sách dân tộc; tiếp tục phổ biến, quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới.
Đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các DTTS, thực hiện hiệu quả 3 Chương trình MTQG, nhất là Chương trình MTQG phát triển KT- XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh. Quan tâm thực hiện tốt các chính sách, phát huy vai trò của người có uy tín, già làng, người có ảnh hưởng trong các dòng họ, chức sắc, chức việc của các tôn giáo trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Đồng thời, tỉnh cần quan tâm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các DTTS; xây dựng nếp sống văn minh, đời sống văn hóa, xóa bỏ các tập tục không còn phù hợp.
Văn Dương“Với hạ tầng, hệ sinh thái du lịch hoàn thiện và khả năng tiếp cận thuận tiện, Phú Quốc có thể trở thành địa điểm tổ chức các sự kiện tầm cỡ thế giới như APEC. Phú Quốc đang ở giai đoạn vàng để phát triển toàn diện”, Phó Chủ tịch thường trực Hội Lữ hành G7 đánh giá.