Tế bào T "sát thủ" có thể chống lại các biến thể COVID-19
Một nghiên cứu được công bố ngày 30/3 cho thấy, các tế bào lympho T (tế bào bạch cầu) còn được gọi là tế bào T "sát thủ" có khả năng chống lại các biến thể COVID-19 ở Anh, Nam Phi, Brazil.
Sự xuất hiện của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đã gây lo ngại cho toàn nhân loại về tác động của chúng đối với sự hiệu quả của các vaccine cũng như làm tăng nguy cơ tái nhiễm ở những người từng mắc COVID-19. Song một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí của Đại học Oxford (Anh) ngày 30/3 (giờ địa phương) đã mang lại tin vui ban đầu khi kết luận các tế bào T "sát thủ", một nhân tố chính trong hệ miễn dịch, gần như không "hề hấn" gì trước những biến thể mới này.
Các tế bào lympho T (tế bào bạch cầu) còn được gọi là tế bào T "sát thủ" vì chúng có thể tiêu diệt tế bào đã bị nhiễm. Chúng là một bộ phận quan trọng của phản ứng miễn dịch, cùng với các kháng thể giúp ngăn chặn bệnh COVID-19 phát triển nặng hơn. Trong đó đã phân ra, một số loại tế bào T được gọi là tế bào T "sát thủ" (tế bào CD8+ T), có khả năng truy tìm và phát hiện các tế bào nhiễm virus. Một số tế bào khác được gọi là tế bào "hỗ trợ" T (tế bào CD4+ T) rất quan trọng với các chức năng miễn dịch, trong đó có chức năng kích thích sản xuất kháng thể và tế bào "sát thủ" T.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học ở Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) và Đại học Johns Hopkins đã phân tích mẫu máu của 30 người nhiễm SARS-CoV-2 đã bình phục, nhằm tìm hiểu khả năng những tế bào T "sát thủ" này có thể nhận ra 3 biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vốn được phát hiện đầu tiên ở Anh, Nam Phi và Brazil hay không.
Thông thường đối với người nhiễm SARS-CoV-2, các kháng thể trung hòa bám vào virus để ngăn virus lây nhiễm tế bào. Sau đó, các tế bào T "sát thủ" tìm kiếm dấu hiệu tiết lộ tế bào đã bị nhiễm và tiêu diệt tế bào bị nhiễm đó. Nhưng nếu trong trường hợp các biến thể mang đột biến xuất hiện, các kháng thể trung hòa rất khó phát hiện chúng để ngăn chặn. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã phát hiện các tế bào "sát thủ" T phần lớn không bị ảnh hưởng khi cơ thể mắc virus SARS-CoV-2. Khác với kháng thể trung hòa, các tế bào này còn có thể nhận ra mọi đột biến của các biến thể được nghiên cứu.
Phát hiện trên được mọi người quan tâm vì mặc dù các tế bào T không ngăn chặn lây nhiễm virus song lại có vai trò quan trọng trong việc "xử lý" tình trạng lây nhiễm đã bắt đầu trong cơ thể. Việc tế bào T "sát thủ" được hệ miễn dịch kích hoạt sau khi virus xâm nhập vào cơ thể và hỗ trợ đẩy lùi bệnh giúp lý giải vì sao các vaccine COVID-19 dường như có thể ngăn ngừa bệnh tình diễn biến nặng thêm dù hiệu quả của các chế phẩm này suy giảm trong việc ngăn ngừa lây nhiễm các biến thể mới.
Huyền My (TH)Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.