Tem chíp TrueData giải pháp chống hàng giả cho doanh nghiệp, hợp tác xã
Ngày 26/4, tại Tòa nhà VCCI (Số 9 Đào Duy Anh, Hà Nội), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Công ty Cổ phần công nghệ Chống giả Việt Nam (ACTIV) tổ chức “Diễn đàn hợp tác phát triển kinh tế, bảo vệ thương hiệu, bảo vệ người tiêu dùng năm 2024”, nhằm mục đích chia sẻ các giải pháp bảo vệ thương hiệu, giới thiệu sản phẩm và hàng hóa có ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc TrueData.
Chương trình có ý nghĩa thiết thực hướng tới ngày 1/7/2024 thời điểm có hiệu lực thi hành Luật Bảo vệ người tiêu dùng, và hưởng ứng thực thi Quyết định 100/QĐ-TTg ngày 19/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư 02/2024/TT-BKHCN ngày 28/3/2024 của Bộ Khoa học Công nghệ…nhằm bảo vệ cộng đồng người tiêu dùng, góp phần minh bạch thị trường sản phẩm hàng hóa vốn lâu nay luôn "nóng" vấn nạn hàng giả, hàng nhái.
Từ 1/6/2024, Thông tư 02 bắt tay vào "dẹp loạn" hàng giả
Thực tế thời gian qua, tình hình hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ gia tăng, với phương thức ngày càng tinh vi, phức tạp. Đặc biệt, để tránh bị phát hiện, các đối tượng đã thay đổi cách thức hoạt động bằng sử dụng nền tảng thương mại điện tử để bán trên không gian mạng.
Tham dự diễn đàn, ông Phạm Minh Tuân, Trưởng phòng nghiệp vụ 3, Cục nghiệp vụ Quản lý Thị trường, Tổng cục Quản lý Thị trường, Bộ Công Thương cho biết: Năm 2023 và quý I/2024 lực lượng Quản lý Thị trường đã thanh tra, kiểm tra 74.719 vụ và phát hiện 55.142 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước 539 tỷ đồng. Trong đó, quý I năm 2024, kiểm tra, xử lý 31 vụ vi phạm về hàng giả; 1.702 vụ vi phạm về không rõ nguồn gốc xuất xứ; 1.058 vụ vi phạm về sở hữu công nghiệp, số tiền xử phạt trên 38 tỷ đồng.
Luật sư Phạm Văn Thọ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Công nghệ chống giả Việt Nam –ACTIV, cho rằng: Hiểu rõ được vai trò của truy xuất nguồn gốc đối với sự phát triển của doanh nghiệp cũng như sức khoẻ của người tiêu dùng, thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt lĩnh vực truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá, chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Cụ thể, ngày 19/1/2019, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 100/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, nhằm xác định những nhiệm vụ cần triển khai để nâng cao công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh hoạt động truy xuất nguồn gốc phục vụ hội nhập quốc tế. Tiếp đó, ngày 21/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2022/NĐ-CP bổ sung quy định quản lý về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá.
Theo ông Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp (VCCI), mới đây nhất, thực hiện Nghị định số 13 của Chính phủ, ngày 28/3/2024, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2024.
Ông Lương Minh Huân khẳng định: "Văn bản này yêu cầu các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, dịch vụ thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa khi xây dựng dữ liệu phải bảo đảm tối thiểu 10 thông tin cơ bản về tên, hình ảnh sản phẩm, tên đơn vị sản xuất kinh doanh, địa chỉ. Thông tin này được in mã gắn trên bao bì sản phẩm và được kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia. Người tiêu dùng có thể tra cứu hạn sử dụng, nguồn gốc của sản phẩm…"
Các doanh nghiệp tiên phong sử dụng Tem chip TrueData
Thuyết trình tại diễn đàn, TS.Trịnh Mạnh Tuyên, Cố vấn cấp cao về công nghệ ACTIV cho biết, ưu thế độc đáo của giải pháp truy xuất nguồn gốc bằng tem chip TrueData, ứng dụng đồng bộ công nghệ lõi mới nhất hiện nay RFID, thu thập dữ liệu tự động, xử lý dữ liệu bằng trí tuệ nhân tạo AI và công nghệ Blockchain, kịp thời phát hiện và cảnh báo nếu phát hiện hàng giả, hàng nhái.
Tem chip True Data tạo đường đi của sản phẩm (từ nguyên liệu, chế biến, đóng gói và dán tem đến vận chuyển tới nhà phân phối, người tiêu dùng) song song với đường đi của dữ liệu - "chạm là xong".
Giá trị của tem chip True Data mang lại cho xã hội là cung cấp công cụ kiểm tra, giúp người tiêu dùng thay đổi nhận thức và hành vi. Doanh nghiệp có điều kiện tốt hơn trong quản trị sản xuất và hệ thống phân phối; bảo vệ thương hiệu, hỗ trợ chuyển đổi số và hội nhập kinh tế quốc tế.
Đồng thời, mang lại nhiều tiện ích, hiệu quả cho nhà chức trách trong quá trình kiểm tra, truy vết sản phẩm. Là công cụ hữu hiệu chống gian lận thương mại, chống thất thu thuế và giảm bớt thủ tục hành chính. Thị trường qua đó trở nên minh bạch hơn.
Theo TS Trịnh Mạnh Tuyên, để tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận dễ hơn tem chip True Data, Công ty CP chống giả Việt Nam chủ trương giảm 50% phí sử dụng chính và sử dụng thứ cấp trong năm đầu tiên cho các đơn hàng thực hiện trước ngày 31/12/2024.
Đến nay, hàng trăm doanh nghiệp tiêu biểu có sản phẩm thuộc trong ngành: Thuốc – Thực phẩm chức năng, Mỹ phẩm, Tiêu dùng, Nông nghiệp, Đặc sản vùng miền, Thực phẩm chế biến, Phụ kiện… đều ứng dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc TrueData. Hiện đã có nhiều công ty tin dùng của tem chip điện tử True Data như Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh, Tập đoàn Tole Sunsco, Công ty cổ phần Queen BB Group, Công ty cổ phần TM&DV An Khang…
Đại diện các doanh nghiệp tiên phong ứng dụng Tem chip TrueData, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Tổng giám đốc Công ty An Khang Group, cho biết: Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ là "nỗi đau" của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, trong đó An Khang Group. Bởi doanh nghiệp vừa mất thời gian nghiên cứu, đưa ra thị trường sản phẩm mới thì chỉ sau một thời gian ngắn đã bị làm giả tràn lan, và sản phẩm được các đơn vị làm giả bán ra thị trường thì đến doanh nghiệp sản xuất cũng không thể cạnh tranh được.
Trong lúc "đau đầu" tìm giải pháp tự bảo vệ thương hiệu thì An Khang Group đã tiếp cận được giải pháp công nghệ tem chíp True Data của Công ty ACTIV. Theo bà Nguyễn Thị Kim Thoa, áp dụng giải pháp này, ngoài được quản lý đầy đủ 10 thông tin truy suất mà thông tư số 02 của Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành ngày 28/3/2024 quy định, nó còn giúp doanh nghiệp quản lý hiệu quả: Kho, nhân sự kinh doanh, bán phá giá, quy trách nhiệm được người vi phạm, bảo vệ được thương hiệu của doanh nghiệp, đồng thời bảo vệ chính khách hàng của mình
Đáng chú ý, trong khuôn khổ Hội thảo tại VCCI đã diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa Công ty CP Công nghệ chống giả Việt Nam với các cơ quan báo chí, với các đầu mối liên kết của doanh nghiệp và HTX. Trong số các đơn vị truyền thông tham gia lễ ký hợp tác có Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị, Tạp chí Điện tử Doanh nghiệp Việt Nam. Đây là hoạt động rất có ý nghĩa trong hợp tác phát triển kinh tế, bảo vệ thương hiệu và bảo vệ người tiêu dùng.
Lưu AnhKhi cái lạnh mùa đông tràn về, không ít du khách chọn cách “chạy trốn” rét buốt để tìm đến những miền đất ấm áp, rực rỡ ánh đèn lễ hội.